Trần Lý
Xin gửi đến Quý vị một vài bài trích trong Tập bản thảo “Kỵ binh Phù đổng” của Trần Lý
(Bài này xin giới thiệu về Thiết giáp của quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Quân sử chính thức của VNCH ghi Binh chủng Thiết Giáp VNCH được thành lập năm 1955. Tuy nhiên ngay từ 1950 đã có những hoạt động giới hạn về Thiết giáp của các quân nhân Việt Nam trong ‘Quân đội Quốc Gia Việt Nam (xin tách riêng và trình bày trong một đoạn riêng của bài)
Theo tài liệu còn ghi lại thì Pháp đem đến Đông Dương 5 chiếc xe ‘bọc thép Renault FT vào tháng Giêng 1919 thuộc ‘16 bataillon de chasseurs à pied’ , đây là một đơn vị được thành lập từ 1854(!) và là thành phần của 2è brigade blindée , SĐ 3BB Pháp.
Khi người Pháp thảm bại trước cuộc tấn công toàn diện của Đức vào tháng Năm năm 1940, Chính quyền Thuộc địa Đông Dương đứng trước một tình trạng khó xử. Tuy trên nguyên tắc, Đông Dương dưới quyền lãnh đạo của Chính phủ Vichy (Pháp hợp tác với Đức Quốc xã), của Thống chế Pétain, nhưng trên thực tế, Đông dương phải tự lo mọi chuyện kể cả quân sự, tìm cách ‘sống còn’
Chính quyền Đông dương muốn tự tổ chức một lực lượng phòng vệ ‘địa phương’ bằng cách yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp các loại vũ khí mà Pháp (khi chưa thất trận) đã đặt mua tử trước khi bị Đức chiếm, Hoa Kỳ từ chối và giao các vũ khí này cho người Anh : sự từ chối đặt người Pháp tại Đông Dương vào vị thế bấp bênh.
Pháp có khoảng 70 ngàn quân trú đóng rải rác tại Việt Nam, Lào và Cao Miên, nhưng quân Pháp chỉ được trang bị rất yếu kém : Không Quân chỉ có một phi đoàn khu trục (được xếp vào loại tân tiến lúc đó); Lực lượng Thiết giáp chỉ có một đại đội xe bọc thép và chiến xa. Người Pháp không còn cách nào hơn là ‘cố gắng’ để thích ứng với tình thế mà trong lúc đó người Nhật muốn chiếm toàn Đông Dương để mở thêm các căn cứ hầu yểm trơ cho nhu cầu bành trướng của họ.
Tháng 9 năm 1940, cuộc chiến xảy ra giữa Pháp và Nhật tại Miền Bắc Việt Nam, đưa đến một thỏa ước cho phép quân Nhật trú đóng tại một số địa điểm ở Việt Nam.
Tháng Giêng 1941, Thái Lan đồng minh của Nhật, mở cuộc tấn công vào Lào và Miên sau những tổn thất ban đầu, quân Pháp đẩy lui được quân Thái nhưng Nhật can thiệp và buộc Pháp phải nhường cho Thái một số lãnh thổ (thuộc Lào và Miên). Đến 1941, Nhật đưa thêm quân vào Đông Dương và chiếm một số căn cứ Không quân của Pháp.
Sau khi khai chiến với Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 1941, Nhật bắt đầu dùng Đông Dương làm nơi yểm trợ cho các đợt tấn công và chiếm đóng nhiều lãnh thổ của phe Đồng Minh tại Á châu..Cho đến mùa Hè năm 1942, Tokyo đạt đến đỉnh cao thắng lợi nhưng sau đó họ bắt đầu gặp khó khăn và trở thành nghi kỵ người Pháp tại Đông dương : Phi cơ Đồng Minh oanh kích các căn cứ Nhật, đánh phá các tàu bè chở hàng hóa của Nhật dọc ven biển Đông Dương và Nhật cho rằng người Pháp đã cung cấp các tin tức tình báo cho phe Đồng Minh để.. chống lại Nhật ?
Sau cùng, tháng Ba năm 1945, Nhật đã đồng loạt tấn công các cơ sở Pháp trên toàn cõi Đông Dương (Người Việt gọi là Ngày Đảo chính Nhật), và sau vài trận đánh dữ dội, quân Nhật thanh toán hết quân Pháp, và chỉ một số nhỏ quân Pháp rút chạy sang Tàu, hầu hết số quân còn lại tại Đông Dương.. buông súng.
Đồng Minh bắt đầu nghĩ đến việc tái chiếm Đông Dương. Các lực lượng quân đội Pháp tại Âu châu được dự trù sẽ tham dự vào các cuộc hành quân tại Đông Nam Á dưới quyền chỉ huy của Tướng Mountbatten (Anh), nhưng cuộc đầu hàng bất ngờ của Nhật sau hai quả bom Nguyên tử (Hiroshima và Nagasaki) vào tháng 8 năm 1945 đã làm thay đổi mọi kế hoạch.
Lực lượng Pháp không đủ để trở lại tái chiếm thuộc địa cũ, nên Anh và Tàu được giao nhiệm vụ tiến vào Đông Dương (Tàu tiến vào miền Bắc; quân Anh vào miền Nam) cho đến khi Pháp huy động được quân số cần thiết.
Những đơn vị đầu tiên của Pháp, do Tướng Leclerc chỉ huy đã đến Hài Phòng và Hà Nội vào mùa Xuân 1946. Lực lượng này được gọi là Lực lượng Viễn chinh Pháp (French Expeditionary Force) gồm một số đơn vị thiết giáp, tách ra từ Sư đoàn 2 Kỵ binh Pháp quốc Tự do (Second Free French Armor Division), trang bị với các xe tăng hạng nhẹ M-2, M-5 Stuart; xe tăng hạng trung Sherman; xe bán-xích =half-track M-3 ; xe thám thính chạy bánh M-3 White, M-8 và M-20 Greyhound; xe pháo tự-hành M-7 Priest và M-8 Gorilla..

Xe Stuart

Xe sherman

Xe Bán xích

Xe M-8
Sau đó Anh cung cấp thêm các chiến xa Coventry và Humber.
(Xem hình ảnh trong phần Chiến xa ‘Mã Lai’ chuyển cho Việt Nam)

Chiến xa Coventry
Quân Pháp còn dùng lại một số chiến xa cổ như xe Panhard, Renault của thời Đệ 1 Thế chiến.. và cả xe tịch thu được của Nhật..

Xe Panhard
Từ tháng 12 năm 1946, cuộc chiến tranh thật sự giữa Pháp và Việt Minh bắt đầu..
Cùng với cường độ chiến tranh, Pháp nhận được một số thiết bị do Hoa Kỳ cung cấp, trong đó có các chiến xa như các xe xích lội nước M-29 Weasal và LVT-4 Alligator. Các xe Weasal được Pháp đặt tên mới Crabs dùng làm xe chuyển quân và yểm trợ chiến trường.. Sau đó Hoa Kỳ cũng cung cấp thêm loại xe tăng hạng nhẹ M-24 Chaffee .

Xe M-29 Crab
Lực lượng Thiết giáp Pháp tại Đông Dương (1946) được tổ chức thành :
- Chiến đoàn Thiết giáp (Groupement blindé=GB) gồm :
– một Đại đội xe tăng M-24
– và 2 đại đội bộ binh đi kèm di chuyển trên xe bán-xích M-3-
– Chiến đoàn Thám thính ( Groupe d’Escadrons de Reconnaissance =GER) gồm
– một Đại đội M-24
– 3 Chi đội xe thám thính M-8
– 1 Chi đội pháo tự hành M-8 Howitzer; cùng bộ binh phối hợp..
– Chiến đoàn lưu động ( Groupe mobile = GM)
GM có 1 chi đội M-24 cùng các đơn vị bộ binh khác tùy nhu cầu khu vực hành quân
Riêng các đơn vị Thủy-bộ thì tổ chức thành :
- Chiến đoàn : có 2 đại đội M-29 Crabs và 3 đơn vị LVT-4 Alligator , thêm các đơn vị bộ binh tùng thiết
Quân số của Lực lượng tăng dần :
12/1946 quân số bắt đẩu là 2250 gồm cà quân tuyển mộ địa phương.
8/1947 tăng lên 6386 gồm thêm quân lê dương, nhưng 5/1948 tách quân địa phương ra thì có 5337(lính từ Pháp + lê dương); qua 12/1950 gồm chung lại thành 11.396 quân và 12/1951 số quân lên 19,956 người..
Số chiến xa (đủ loại) cũng tăng từ 143 chiếc (1945); 763 (năm 1947); 664 (1948); 956 (1950); 1231 (1951) và 1385 (năm 1954).
- Ghi chú :
– Ngày 18 tháng 12 năm 1950, để sửa soạn cho chiến trường Đông Dương, Bộ Quốc phòng Pháp cho tổ chức một đơn vị ‘đặc nhiệm’ mang tên Régiment blindé colonial d’Extrême-Orient= RBCO. Đơn vị này có quân số riêng trên 800 người trang bị 59 xe tăng Sherman các loại M-4/ M-4A1, gắn đại bác 75, trong đó có 6 xe gắn đại bác 105. Lực lượng còn có thêm các xe bán-xích, xe xích sửa chữa chiến xa và cả xe kéo nạn . Bộ chỉ huy và các Sĩ quan đều là người Pháp và đa số quân của lực lượng này là người Bắc Phi như Algerie, Maroc..
– Ngay 1946 , Bộ Chỉ huy Thiết Giáp Pháp tại Đông dương đã cho lập một Trung tâm huấn luyện cấp thời cho các quân nhân từ Pháp hay Bắc Phi đến Đông dương để hướng dẫn và cung cấp các tin tức cần thiết giúp họ hội nhập với phong tục và sinh hoạt địa phương. Trung tâm đặt tại Đà Lạt, dùng một doanh trại cũ của Quân đội Nhật, sau đó phát triển và xây dựng thêm thành Trại Saint-Phalle. Trung tâm trở thành nơi huấn luyện bổ túc về vũ khí, chiến thuật, bảo trì chiến xa.. không chỉ cho các quân nhân Pháp và gốc Phi châu mà sau đó cả cho các quân nhận Việt gia nhập hàng ngũ quân Pháp.. (lập cả một làng cho các gia đình ‘thân binh’ sinh hoạt)..Năm 1953, Trung tâm này di chuyển về Vũng Tàu.
Hoạt động của Thiết giáp tại Đông Dương :
Lực lượng Thiết giáp của Pháp trong cuộc chiến Đông Dương chỉ giữ các nhiệm vụ :
1- Tuần hành, mở đường trên các quốc lộ chính chống lại các cuộc phục kích, bảo vệ các đoàn xe ‘công voa’ chở quân hoặc tiếp liệu.. do đó chịu nhiều thiệt hại vì phải hoạt động trong các điều kiện quân Việt Minh lựa chọn, chờ sẵn..
(Cách tuần hành của Thiết giáp Đông dương là mỗi sáng, chi đội chiến xa chạy đi tuần giữa các đồn bốt, rồi ngừng nghỉ tại một đồn nào đó, yểm trợ cho lính đồn đi dẹp mô hay chướng ngại vật do Việt Minh đặt trong đêm.. sau khi đường thông, chiến xa qua-lại để kiểm soát.. Khi bảo vệ con-voa, một chiến xa đi đầu, đoàn xe convoa chạy tiếp và 2 chiến xa chạy sau cùng..)
2- Phòng thủ cố định (1950), nhất là các đơn vị thiết giáp hoạt động tại vùng biên giới Hoa-Việt. Chiến xa được sử dụng như các pháo đài di động, yểm trợ cho bộ binh.
Các đơn vị Việt Minh đã phá hủy nhiều chiến xa Pháp trong các trận :
- Rút lui Cao Bằng (9-1950: Pháp mất 3 chi đội chiến xa gồm 12 xe.
- Mạo Khê (3-1951) : 5 xe bị hủy.
- Đông -Bắc Phủ Lý : Đây là trận mà quân Pháp đã huy động một liên đoàn thiết giáp và chi đội thủy xa. Bên Việt Minh thiệt hại nặng.
- Từ Vũ (12-1951) : 5 xe Sherman bị phá hủy. Quân cảm tử Việt Minh đã tràn ngập các thiết giáp và đốt cháy các xe này.
Trong trận Điện Biên Phủ : Lực lượng Thiết giáp Pháp tại đây gồm 10 xe tăng M-24 và 4 xe bán-xích (half-track) gắn súng đại liên .50 : Các xe này được tháo rời thành nhiều phần, đóng pallet, và thả dù vào Điện Biên Phủ, rồi ráp trở lại, chia thành 3 Chi đội trấn đóng tại các cứ điểm và tại bộ Chỉ huy. 8 trong 10 chiếc M-24 bị phá hủy.

Xe M-24 tại ĐB Phủ
- Thiết giáp và Quân đội Quốc Gia Việt Nam :
Năm 1950 , Chính phủ Quốc Gia Việt Nam thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam, hoạt động trong Quân đội Liên Hiệp Pháp. Giai đoạn này, Pháp hỗ trợ để lập cho Quân đội Quốc Gia Việt Nam một đơn vị thám thính xa.. Đơn vị này là Tiểu đoàn 3 Thám thính Việt Nam, hoạt động tại Nam Định gồm 3 chi đội xe M-8 (xe nồi đồng) và xe bán-xích và vài xe pháo tự hành Obusier..

Xe M-8 của Quân đội Quốc Gia Việt Nam
(Xin đọc : “Thiết giáp Việt Nam,giai đoạn sơ khởi)
Trần Lý
(trích : Kỵ Binh Phù Đổng )
Nguồn: Cảm ơn Mr. TL chuyển bài.