Những Đóng Góp Của Người Mỹ Gốc Việt Cho Văn Học Hoa Kỳ – Huỳnh Kim Quang

on

24/05/2024

  • Huỳnh Kim Quang

Sách tiếng Anh của các nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Việt được phát hành tại Hội Chợ Sách “Viet Book Fest” lần thứ 3 do Hội Văn Học và Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) tổ chức vào ngày 5 tháng 5 năm 2024 tại thành phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ.(Photo: Việt Báo)

Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt.

Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt.

Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.

Trong chương 3 “What Is Vietnamese American Literature?” [Văn Học Người Mỹ Gốc Việt Là Gì?] của tác phẩm “Looking Back on the Vietnam War” [Nhìn Lại Cuộc Chiến Tranh Việt Nam],(1) nhà văn Nguyễn Thanh Việt đã viết về văn học người Mỹ gốc Việt như sau:

“… văn học người Mỹ gốc Việt hoàn thành chức năng cơ bản nhất của việc viết về dân tộc, để chứng minh rằng bất kể điều gì đã xảy ra trong quá khứ để đưa những người này đến Mỹ, họ hay con cái của họ đã được chấp nhận, dù có miễn cưỡng ra sao, bởi những người Mỹ khác. Sự thay đổi từ im lặng tới lên tiếng này là hình thức của văn học dân tộc tại Mỹ, cái hộp chứa tất cả các loại nội dung rắc rối. Sau cùng, điều mang theo cái được gọi là dân tộc này tới Mỹ thường là kinh nghiệm khó khăn – thường xuyên hơn là không có, điều khủng khiếp và đau thương.”

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt đang ký sách truyện tranh “Simone” vừa xuất bản trong tháng 5 năm 2024 tại Viet Book Fest 2024. Simone là tên con gái của nhà văn Nguyễn Thanh Việt. (Photo: Việt Báo)

Đoạn trích của nhà văn Nguyễn Thanh Việt ở trên có thể được hiểu trong ba ý mà cũng là ba yếu tố trong nền văn học bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt. Thứ nhất, “viết về dân tộc” của mình để cho người Mỹ biết chúng ta là ai, tại sao chúng ta đến đây? Thứ hai, viết như là một cách “lên tiếng” để cho người Mỹ thấy và biết chúng ta thật sự có mặt như là một trong những thành phần bất khả phủ nhận của cái nồi văn hóa phong phú và da dạng của nước Mỹ — the melting pot. Thứ ba, viết về những ký ức và kinh nghiệm khổ đau và khốn khó, thậm chí “khủng khiếp” trong quá khứ hay hiện tại mà người Mỹ gốc Việt mang theo hay lịch nghiệm.

Muốn diễn bày ba điều này để cho người Mỹ có thể đọc, hiểu và cảm nhận thì phải viết bằng tiếng Anh. Những tác phẩm văn học như vậy còn là những di sản vô giá cho các thế hệ tương lai của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đọc, thưởng thức, tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn cội giống nòi của mình trên đất nước Hoa Kỳ.

Sách tiếng Anh Của Người Việt tại Mỹ trước năm 1975

Theo Michele Janette, trong “Vietnamese American Literature” được đăng trong trang Bách Khoa Toàn Thư Nghiên Cứu của Đại Học Oxford,(2) các tác phẩm bằng tiếng Anh được viết bởi người Việt và được xuất bản tại Mỹ đã có trước khi đợt người Mỹ gốc Việt đến tị nạn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hai tác giả người Việt đã xuất bản sách tiếng Anh tại Mỹ cho độc giả người Mỹ đọc đó chính là Nguyễn Thị Tuyết Mai và Trần Văn Dĩnh. Tác phẩm của Tuyết Mai, “Electioneering: Vietnamese Style” [Bầu Cử: Kiểu Việt] được University of California Press xuất bản vào năm 1962. Trong đó bà giải thích việc tranh cử thất bại vào chính quyền tại Miền Nam với mục đích chỉ cho người Mỹ thấy về chế độ mà họ đã ủng hộ lúc đó. Cuốn tiểu thuyết của Dĩnh, “No Passenger on the River” [Không Người Qua Sông] được Vantage xuất bản vào năm 1965. Trong đó nó cho thấy sự tham nhũng, tuyên truyền, tàn ác, và điều hành quân đội sai lầm đã dẫn tới việc đảo chánh Tổng Thống Diệm.

Sở dĩ không gọi hai tác giả này là người Mỹ gốc Việt vì lúc xuất bản sách tiếng Anh ở Mỹ họ chỉ đến Mỹ mà chưa nhập tịch. Sau này họ mới thực sự di cư sang Mỹ và cũng đã có ra sách tiếng Anh.

Những tác phẩm tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt sau năm 1975

Làn sóng người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do bằng đường biển và đường bộ bắt đầu từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở đi, cộng với các Chiến Dịch Nhân Đạo (Humanitarian Operation – HO) khởi đầu từ năm 1989, và Chương Trình Ra Đi Trật Tự (The Orderly Departure Program – ODP) từ năm 1979 được chính phủ Hoa Kỳ cho tị nạn và định cư đã hình thành cộng đồng người Việt ở Mỹ. Khi ra đi, những người Việt này mang theo họ ký ức và kinh nghiệm về quê hương, dân tộc và hệ lụy của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Chính vì vậy, những tác phẩm văn học của người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong giai đoạn này là những cuốn hồi ký. Trong đó chúng ta có thể kể cuốn “Our Endless War: Inside Vietnam” [Cuộc Chiến Không Kết Thúc Của Chúng Tôi: Bên Trong Việt Nam] của Tướng Trần Văn Đôn được xuất bản vào tháng 1 năm 1978; “At Home in America” [Tại Nhà ở Mỹ] của Nguyễn Văn Vụ được xuất bản vào tháng 1 năm 1979; “The Final Collapse” [Sự Sụp Đổ Sau Cùng] của Tướng Cao Văn Viên được xuất bản vào tháng 1 năm 1983; “When Heaven and Earth Changed Places” [Khi Trời Và Đất Đổi Chỗ, hay Khi Thiên Địa Đảo Lộn] của Le Ly Hayslip (Phùng Thị Lệ Lý) được xuất bản vào năm 1989.

Theo Michele Janette, tất cả những cuốn hồi ký nêu trên đều lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam mà họ là những người trực tiếp hay gián tiếp tham dự để giới thiệu cho người Mỹ hiểu được thực sự cuộc chiến này. Những cuốn hồi ký này được viết bởi nhu cầu thông tin, giáo dục, sửa sai tài liệu, và xác nhận điểm tâm lý của người Mỹ. Cũng theo Janette, sự có mặt của các hồi ký nói trên là điều cần thiết bởi vì, dù đã tham chiến và tuyên bố ủng hộ Miền Nam, các mô tả của Hoa Kỳ về Việt Nam hướng tới việc bỏ qua chính quyền Miền Nam và những kẻ hỗ trợ họ. Thay vào đó nêu hình ảnh nổi bật của người Việt Nam là Việt Cộng (VC), là “kẻ thù.”

Cùng thời gian cuối thế kỷ 20, chúng ta có thể kể thêm những hồi ký và truyện bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như: “Fallen Leaves” [Những Chiếc Lá Rơi] của Nguyễn Thị Thu-Lâm được xuất bản vào năm 1989; “Where the Ashes Are: The Odyssey of a Vietnamese Family” [Nơi Nào Tro Tàn: Cuộc Phiêu Lưu Của Một Gia Đình Việt Nam] của Nguyễn Quí Đức được xuất bản vào năm 1994; “The Rubber Tree” [Cây Cao Su] của Nguyễn Thị Tuyết Mai được xuất bản vào năm 1994; “A Thousand Tears Falling” [Một Ngàn Giọt Lệ Rơi] của Yung Krall (Đặng Mỹ Dung) được xuất bản vào năm 1995; “In the Jaws of History” [Trong Gọng Kềm Lịch Sử] của Bùi Diễm được xuất bản vào năm 1987; “Twenty Years and Twenty Days” [Hai Mươi Năm và Hai Mươi Ngày] của Nguyễn Cao Kỳ được xuất bản vào năm 1976; “Shallow Graves” [Những Mồ Cạn] của Tran Thi Nga và Wendy Larson được xuất bản vào năm 1986; “The Sacred Willow” [Cây Liễu Thiêng] của Dương Văn Mai Elliott được xuất bản vào năm 1999; “South Wind Changing” [Gió Nam Đổi Chiều] của Jade Ngọc Quang Huỳnh được xuất bản vào năm 1994.

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, văn học bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt đã có sự thay đổi trong nội dung đi từ cuộc sống trong chiến tranh tới những đau đớn sau khi đất nước Việt Nam nằm dưới sự cai trị của cộng sản. Họ là những tác giả viết về các trại tù lao động, được cộng sản gọi là “các trại cải tạo,” và sự phân biệt đối xử của chính quyền đối với các trẻ em con lai, cha Mỹ và mẹ Việt, theo Michele Janette. Chẳng hạn, cuốn “The Tapestries” [Tấm Thảm] (2002), “Le Coloniel” [Đại Tá] (2004) của Kien Nguyen; “Perfume Dreams” [Giấc Mơ Sông Hương] của Andrew Lâm được xuất bản vào năm 2005. Trong đó kể bi kịch thời hậu chiến, với việc những người tị nạn bị nhiều nước từ chối cho định cư. Có thể kể thêm, “The Book of Salt” [Cuốn Sách Muối] được xuất bản năm 2003, và “Bitter in the Mouth” [Đắng Miệng] của Monique Truong được xuất bản vào năm 2010.

Nhà văn Monique Truong thuộc thế hệ một rưỡi của người Mỹ gốc Việt, được sinh tại Việt Nam nhưng trưởng thành ở Hoa Kỳ. Các nhà văn người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ một rưỡi và hai trong thế kỷ 21 không chỉ viết vì nhu cầu xã hội đối với những kinh nghiệm của họ để được lắng nghe, mà còn như là những nhà văn học chuyên nghiệp, theo Michele Janette. Các tác phẩm của họ bao trùm lãnh địa rộng lớn các đề tài và thể loại, từ tiểu thuyết truyền thống tới truyện hư cấu thực nghiệm, từ sách có hình vẽ cho trẻ em tới tiểu thuyết đồ họa cho người lớn, từ những vở kịch có nhạc rock and roll, võ thuật, và các tài liệu tham khảo văn hóa quần chúng đến những kết hợp truyền thông hỗn hợp liên kết thơ, nhạc, và hình ảnh, và từ tiểu thuyết lịch sử tới truyện trinh thám gay cấn.

Trong đó chúng ta có thể nói đến các tiểu thuyết: “Monkey Bridge” [Chiếc Cầu Khỉ] của Lan Cao được in vào năm 1997; “Georgia Red Dirt” [Bụi Đỏ Georgia] của nhà văn nửa dòng máu Việt Andrew Spieldenner được xuất bản năm 2000; “Vietnamerica” [Mỹ Việt] của G.B. Tran được in vào năm 2001; “Grass Roof, Tin Roof” [Mái Cỏ, Mái Thiếc] của Dao Strom được in năm 2002; “The Gangster We Are All Looking For” [Kẻ Bất Lương Mà Tất Cả Chúng Ta Đang Tìm] của Lê Thị Diễm Thúy được in vào năm 2003; “We Should Never Meet” [Chúng Ta Không Bao Giờ Nên Gặp] của Aimee Phan được in vào năm 2004; “A Sense of Duty” [Ý Thức Bổn Phận] của Quang X. Pham được in năm 2005; “Big Sister, Little Sister” [Chị Cả, Em Gái] của LeUyen Pham được in vào năm 2005;  “Stealing Buddha’s Dinner” [Ăn Trộm Cơm Phật] của Bich Minh Nguyen được in vào năm 2007; “Inside Out and Back Again” [Đi Ra Rồi Trở Lại] của Thanhha Lai được in vào năm 2011; “Lotus and Storm” [Hoa Sen và Bão] của Lan Cao được in năm 2014; “Seven Tears at High Tide” [Bảy Giọt Nước Mắt Lúc Thủy Triều Cao] (2015), “A Clash of Steel: A Treasure Island Remix” [Sự Va Chạm Của Thép: Đảo Bảo Vật Remix] (2021) của C. B. Lee; “The Best We Could Do” [Điều Tốt Nhất Chúng Ta Có Thể Làm] của Thi Bui được in vào năm 2017; “Listen, Slowly” [Lắng Nghe, Từ Từ] (2015), “The Eaves of Heaven: A Life in Three Wars” [Mái Hiên Trời: Một Cuộc Đời Trong Ba Cuộc Chiến] (2008) và “Twilight Territory” [Vùng Rạng Đông] (2024) của Andrew X. Pham; “The Fortunes of Jaded Women” [Định Mệnh Của Chị Em Họ Dương] của Carolyn Huynh được in vào năm 2022; “Gloria Buenrostro Is Not My Girlfriend” [Gloria Buenrostro Không Phải Là Bạn Gái Của Tôi] của Brandon Hoàng được in vào năm 2023; “The Veil Between Two Worlds: A Memoir of Silence, Loss, and Finding Home” [Bức Màn Giữa Hai Thế Giới: Hồi Ký Về Sự Im Lặng, Mất Mát, và Tìm Nhà] (2023), “My Vietnam, Your Vietnam” [Việt Nam Của Tôi, Việt Nam Của Anh] (2024) của Christina Vo viết cùng với bố là bác sĩ Nghĩa Võ;…

Trong thể loại truyện điệp viên, trinh thám, chúng ta có thể kể tác phẩm nổi tiếng đoạt Giải Pulitzer năm 2016 “The Sympathizer” [Cảm Tình Viên] của nhà văn Nguyễn Thanh Việt được xuất bản vào năm 2015. Cuốn tiểu thuyết này cũng đã được Hãng Phim HBO đóng thành phim cùng tên và được công chiếu vào tháng 4 năm 2024, với các đạo diễn Park Chan-wook, Fernando Meirelles, Marc Munden. Trong dàn diễn viên của phim The Sumpathizer, đa phần là các diễn viên người Việt như Hoa Xuande, Kiều Chinh, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, v.v… Chúng ta có thể kể thêm các tác phẩm cùng loại như cuốn “Dragonfish” [Cá Rồng] của Vu Tran được in năm 2015…

Về loại truyện tranh cho trẻ em, chúng ta thấy có “The Little Weaver of Thái-Yên Village” [Cô Bé Thợ Dệt Làng Thái Yên] của Trần Khánh Tuyết được xuất bản vào năm 1977; “The Land I Lost” [Đất Nước Mà Tôi Mất] (1982), “Water Buffalo Days” [Những Ngày Chăn Trâu] (1994) của Huỳnh Quang Nhưỡng; “Going Home, Coming Home/Về Nhà, Thăm Quê Hương” của Truong Tran được xuất bản vào năm 2003; “A Different Pond” [Cái Ao Khác] của Bao Phi, do Thi Bui vẽ, được xuất bản vào năm 2017; “Lunar New Year Love Story” [Chuyện Tình Ngày Tết Nguyên Đán] của LeUyen Phạm được in vào năm 2023; “Family Style: Memories of an American from Vietnam” [Cơm Gia Đình: Ký Ức Của Một Người Mỹ Từ Việt Nam] của Thiện Phạm được in vào năm 2023; “Simone” của Nguyễn Thanh Việt, do Minnie Phan vẽ tranh, được phát hành vào tháng 5 năm 2024;…

Ngoài ra còn có loại truyện huyền bí, kỳ dị như cuốn “She Weeps Each Time You’re Born” [Cô Khóc Mỗi Khi Bạn Sinh Ra] của Quan Barry được xuất bản vào năm 2014. Trong truyện, nhà văn Quan Barry mô tả một cô gái, có thể là hóa thân của Bồ-tát Quan Âm trong Đạo Phật, là người sinh ra có khả năng nghe và giải thoát các con ma. Cùng loại này chúng ta có thể kể thêm “Parabola” [Đường Parabol] của Lily Hoang được in vào năm 2008; “We Were Meant to Be a Gentle People” [Chúng Tôi Được Cho Là Người Tử Tế] của Dao Strom được in vào năm 2015…

Về thơ, chúng ta có thể kể “Placing the Accents” [Nhấn Giọng] (1999), “Dust and Conscience” [Bụi và Lương Tâm] (2002) của Truong Tran; “All Around What Empties Out” [Tất Cả Chung Quanh Điều Trống Rỗng] (2003), “Borderless Bodies” [Vô Biên Thân] (2006) của Đinh Linh; “Why Is the Edge Always Windy?” [Tại Sao Biên Cương Luôn Có Gió?] (2005), “Tango, Tangoing” [Điệu Nhảy Tănggô, Nhảy Tănggô] (2008) của Mộng-Lan; “The Boat” [Thuyền] của Nam Le được in vào năm 2008; “Water Puppets” [Con Rối Nước] của Quan Barry được in vào năm 2011; “Red Thread” [Sợi Chỉ Đỏ] (2012),  “Invisible Light” [Ánh Sáng Vô Hình] (2018), “Incidental Takes” [Bắt Gặp Thình Lình] (2023) của Teresa Mei Chuc; “Breaking the Map” [Xé Bản Đồ] của Kim-An Lieberman được in vào năm 2016; “Thousand Star Hotel” [Khách Sạn Ngàn Sao] của Bảo Phi được in vào năm 2017; “This Way to the Sugar” [Lối Này tới Đường] (2014), “Not Here” [Không Phải Đây] (2018) của Hieu Minh Nguyen; “Night Sky with Exit Wounds” [Bầu Trời Đêm với Những Vết Thương Mở] (2016), “Time Is a Mother” [Thời Gian Là Mẹ] (2022) của Ocean Vuong… 

 Về kịch, chúng ta có thể nói đến các kịch bản “She Kills Monsters” [Bà Giết Quái Vật] (2011), “Raya and the Last Dragon” [Raya và Con Rồng Sau Cùng] (2021), “Strange World” [Thế Giới Lạ] (2022) của Qui Nguyen…

Trong phần nhận định về sự thành công của người Mỹ gốc Việt đã đóng góp vào nền văn học Hoa Kỳ, Giáo Sư Michele Janette viết rằng, “Trong nửa thế kỷ, văn học người Mỹ gốc Việt đã phát triển thành một trong những công trình có ý nghĩa văn hóa và thẩm mỹ tinh vi nhất của thời đại hiện nay.”(3)

Thật vậy, nhìn lại ngót nửa thế kỷ có mặt tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã sáng tác một số lượng đồ sộ với hàng trăm tác phẩm văn học, cả tiếng Việt và tiếng Anh, để tạo thêm cho nền văn hóa và văn học Mỹ sự phong phú và đa dạng. Đặc biệt, những tác phẩm văn học bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt không chỉ có giá trị về mặt văn chương, mà còn là nguồn tài liệu giá trị đặc thù về mặt lịch sử, văn hóa, tôn giáo, và chính trị của đất nước Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ.

Trong khuôn khổ của một bài báo, bài viết này chắc chắn còn nhiều thiếu sót về danh sách các tác giả và tác phẩm văn học bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt. Đó là chưa nói đến việc nên có phần giới thiệu sơ qua một chút về các nhà văn, nhà thơ người Mỹ gốc Việt, và các tác phẩm văn học tiêu biểu của họ. Nhưng để lấp đầy những chỗ thiếu vừa nêu đòi hỏi một bài nghiên cứu công phu và nghiêm túc mà chắc chắn là vượt khỏi phạm vi của một bài báo như thế này. Vì vậy, mong rằng người đọc chỉ xem đây như là một bài giới thiệu rất sơ lược về những đóng góp của người Mỹ gốc Việt cho nền văn học Hoa Kỳ.

Xin cảm ơn tất cả những đóng góp của người Mỹ gốc Việt cho văn học Hoa Kỳ, mà cũng chính là cho cộng đồng người Việt.

Huỳnh Kim Quang

___________________

(1) Looking Back on the Vietnam War,  Edited by Brenda M. Boyle and Jeehyun Lim; Contributions by Brenda M. Boyle, Jeehyun Lim, Yen Le Espiritu, Quan Tue Tran, Viet Thanh Nguyen, Lan Duong, Vinh Nguyen, Robert Mason, Leonie Jones, Heonik Kwon, Diane Niblack Fox and Cathy J. Schlund-Vials – Rutgers University Press, 2016, p. 50.

(2) Vietnamese American Literature, Michele Janette, https://oxfordre.com

(3) Ibid.

++++

Nguồn: https://vietbao.com/a319108/nhung-dong-gop-cua-nguoi-my-goc-viet-cho-van-hoc-hoa-ky

Leave a comment