Truyện Ma Bồng Con… – KD

on

KD

Ảnh minh hoạ

Căn nhà mái ngói đỏ nằm khuất trong hàng cây, cửa chính hướng ra phía con sông. Tuy lưng tường bám rêu phong cũ kỹ, nhưng nó vẫn thuộc dạng to lớn nhất vùng. Nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trải qua biết bao nhiêu biến cố thời gian tồn tại tới giờ này. Dấu trầm tích hiện lên những gam buồn, khung cửa hoen rỉ, một vài nơi nứt nẻ xuống cấp chưa một lần trùng tu. Đó là nhà của ông Tấn, một thương gia giàu có. Sở hữu số tài sản từ ông Tạ, cha của mình. Câu chuyện ông Tạ trở nên giàu nứt vách đổ tường cũng gây ra nhiều tranh cãi. Cho tới bây giờ người ta vẫn còn mơ hồ chưa biết việc đúng sai ra sao. 

Năm ấy khi Pháp đưa quân quay trở lại chiếm Tây Nam Bộ. Lúc ấy ông Tạ chỉ là chàng thanh niên 17 tuổi sống bằng nghề đánh cá trên một chiếc xuồng nhỏ lênh đênh trên sông. Nghe đâu, thời gian sau ông làm mật thám cho Pháp rồi vơ vét của cải người dân mới dựng nên cơ đồ. Nhưng cũng có người cho rằng ông là du kích địa phương nằm vùng để giúp Việt Minh tiết lộ những ý đồ của Pháp. Bằng chứng là ông Tạ đã giấu một thương binh du kích trong bồ lúa để tránh sự truy lùng gắt gao. Nhà ông liên tục bị bố ráp, bao vây, chúng lục tung nhưng kết quả chẳng có gì đành phải để ông yên. Cũng có người cho rằng ông khôn, tức là khi nào cần thiết sẽ theo Pháp, không cần thiết sẽ theo Việt Minh như một kiểu “gián điệp nhị trùng”, hay nói cách khác là “điệp viên hai mang”. Ông có nhiều của cải kể từ đó. 

Ông Tạ qua đời để lại vô số tài sản cho người con trai độc nhất chính là ông Tấn. Thời gian sau khi hiệp định Genève được ký kết đất nước chia hai miền. Ông Tấn vẫn theo cái chiêu cũ của cha mình! Thậm chí còn làm giàu hơn trước vì kết hợp với mua bán khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh và cả Sài Gòn. Ông mở lò mổ heo cung cấp thịt khắp nơi, sắm 2 chiếc ghe to để chở gạo và thịt cho ra thị trường cung ứng. Cho tới ngày Quân Giải phóng tiếp quản Miền Nam, bị nằm trong danh sách “tư sản mại bản” ông đã chôn giấu tất cả của cải. Cũng không bị làm khó vì trước đó đã có công với cách mạng nuôi nhiều thương binh trong nhà.

Ông Tấn có tất cả 5 người con. Lần lượt các tên từ lớn tới nhỏ: Phú, Quý, Vinh, Quang, Giàu. Trong đó có 2 trai và 3 gái. Ông rất thích con trai, thậm chí có nhiều trai càng tốt. Khi sinh ra 2 người con gái lớn đặt tên cũng nghe rất con trai. Ông thường nói: «Sinh ra con gái chẳng giúp ích gì được cho gia đình, chỉ may vá nấu nướng thì được trò trống gì việc lớn. Con trai dẫu sao cũng khiêng vác làm nặng để phụ giúp gia đình mà không cần phải thuê mướn đỡ mất tiền công. Cứ đứa nào theo chồng sớm thì phúc đức nhà này». Phú, Quý và Giàu chẳng được sự ưu ái nào từ ông. Khi hai người con gái lớn đến Sài Gòn học hành, cả 2 đều có nhân tình là sĩ quan quân đội Mỹ và kết hôn kể từ đó. Khi Sài Gòn đổi chủ, quân đội Mỹ rút về nước đưa theo cả 2 cô cùng đi, cho tới bây giờ chưa một lần trở lại. Nhiều khi nói chuyện với đứa con gái út tên Giàu ông thường ví von: «Mày thấy chị cả với chị hai chưa? Con gái tức là con của người ta, đi lấy chồng thì coi như hết. Vậy thì mày cũng mau lấy chồng. Chẳng lẽ ở vậy để tao nuôi suốt hay sao! Đã 19 tuổi rồi?». Thế là cô út Giàu cũng đi lấy chồng ở tận xứ Gò Công, cũng ít trở lại cái nhà trọng nam khinh nữ này. Vinh lấy vợ ở trên huyện! Nghe đâu cô Hoa vợ Vinh là con nhà khá giả, được sinh ra trong một gia đình bốc thuốc khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. 

Bây giờ chỉ còn duy nhất Quang là chưa lập gia đình. Quang có tính cách rất khác biệt so với ông, không gia trưởng cổ hủ. Khi nói chuyện cùng cha rất thường xuyên cãi vã vì bất đồng quan điểm. Vậy mà ông Tấn lại thương Quang nhiều nhất so với số anh chị em còn lại. Có lẽ Quang là người siêng năng cần cù, chịu khó chịu cực y hệt ông hồi trẻ. Tất cả ruộng vườn hình như một tay Quang đảm nhiệm. Quang cũng không có tính trăng hoa như người anh của mình, cũng không cờ bạc rượu chè, tỏ vẻ phách lối vì giàu có từ bên trong trứng nước. Chỉ biết cắm đầu vào làm, rất giản dị không khoa trương. Điều này giống hệt ông! Có lẽ ông thương Quang nhiều cũng vì nết đó. Từ ngày về làm dâu Hoa sinh cho Vinh một cô con gái đặt tên là Mỹ Na. Tưởng rằng có cháu nội đầu lòng thì ông Tấn sẽ chiếu cố tới vợ chồng Vinh hơn trước. Nhưng không! Nó là điều trái ngược khiến ông Tấn vô cùng thất vọng, vì chẳng phải là cháu trai như ông đã kỳ vọng bấy lâu. Biết rằng ông không ưng con gái nên vợ chồng Vinh cố gắng để sinh thêm con, nhưng trời không chiều lòng người, Hoa có mang đến lần thứ tư, nhưng kết quả đều bị sảy thai. Suốt hơn mười năm trời dài đằng đẵng, vợ chồng Vinh quyết định không sinh thêm! Thôi thì tại số trời đã ban chỉ một mình Mỹ Na đành chấp nhận an phận. Ông Tấn thích con trai là có nhiều lý do, trước đó gia đình ông làm nghề mổ heo, vào những dịp Tết lượng tiêu thụ thịt khá nhiều, ông và 2 người con thức dậy khá sớm để chuẩn bị, việc làm không xuể, chưa nói tới còn ruộng vườn mênh mông. Thuê người thì lại tốn tiền công chi trả. Những lần người làm công chậm trễ, ông thường chép miệng thở dài.

– Ước gì nhà có nhiều con trai thì mọi việc đã xong hết rồi.

Mọi chuyện to nhỏ trong nhà đều dồn lên vai của 2 người con trai. Không phải ông Tấn tiếc tiền để thuê người làm, nhưng ông có quan niệm rằng: «đã là con của ông thì phải thực sự giỏi, phải làm gấp đôi hơn hẳn những người thường». Vì lý do ấy nên ông rất hạn chế trong việc thuê mướn người ngoài. Từ ngày vợ ông bị tai biến ngồi xe lăn, bà khuyên nên bỏ nghề giết heo, đó là sát sinh đầy tội lỗi. Khi bà qua đời ông đã chính thức bỏ nghề, cũng đồng nghĩa với việc 2 anh em Quang giảm bớt gánh nặng đi phần nào. Bây giờ họ chỉ tập trung vào ruộng vườn nương rẫy, khi thu hoạch thì chở bằng ghe đi khắp nơi để bán. Thấy nhà không có cháu trai để cưng nựng như bao người xung quanh. Ông khuyên Quang phải nhanh chóng lấy vợ để sinh con đẻ cái. Ông nói với anh rằng:

– Lo mà đi lấy vợ, đã gần 30 rồi. Khi nào có gia đình đầy đủ, Tía sẽ chính thức chia tài sản. Anh mày nó không có con trai nên không được hưởng nhiều, nếu mày cho Tía một thằng cháu trai, Tía giao hết cái sản nghiệp nhà này.

Quang lắc đầu ngao ngán.

– Lại là trai với gái. Cháu nào không là cháu, con nào mà chẳng con. Trai hay gái gì thì cũng là máu mủ, huyết thống. Tại sao lại cứ đặt vấn đề con trai mới được.

– Đó là tâm nguyện của nội bây lúc sinh thời. Tía thấy đó là điều đúng, cần thiết nên áp dụng. Việc của bây là phải cưới gấp. Còn sinh trai hay gái cứ tính sau. Trai thì được ưu tiên, gái thì không.

– Chẳng biết cái tâm nguyện gì mà kỳ cục. Thôi! Tía muốn thì tôi sẽ lấy vợ. Dù có sinh con trai cũng không muốn được chia phần nhiều đâu.

– Việc chia chác đã có trong di chúc không cần bây bận tâm mà quyết định nhiều ít. Đã có kế hoạch của song thân từ trước. Lấy ai? Nói Tía nghe.

– Tía muốn biết thì tôi nói luôn, chẳng giấu giếm làm gì. Cô ấy là người xứ Ba Tri.

– Ba Tri? Bây làm gì mà quen biết tận ở đó.?

– Tôi đi ghe hàng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Trong một lần ghé chợ coi cải lương, đã biết cô ấy từ dạo đó.

– Vậy là con đó cũng mê cải lương giống bây. Hai đứa đi coi rồi quen và hẹn ước phải không?

– Không phải. Là đào hát. Cha mẹ có một gánh hát nhỏ, cô ấy theo đi lưu diễn khắp nơi bằng ghe.

– Không được. Ca hát là xướng ca vô loài. Mặt phấn má son. Không chừng nó là thứ buôn hương bán phấn đã làm dâu trăm họ trên đời. Không thể về nhà này. Trong xóm bộ không có con gái đàng hoàng tử tế để bây chọn hay sao?

– Tôi chẳng biết Tía lấy từ đâu ra cái quan niệm ác ôn đó. Không sao, nếu Tía đã chê, nhục mạ nhân phẩm người ta thì tôi không lấy. Nếu biết vậy tôi thà giấu luôn còn hơn.

– Mày phải lấy con gái trong làng này. Nếu cãi tao đập cho bể đầu.

– Tôi không lấy. Có đánh chết cũng không. Xướng ca vô loài, hay buôn hương bán phấn là cái nhìn của riêng Tía. Không phải của bất cứ ai. Má đã tai biến ngồi xe lăn sống nay chết mai. Tía cứ kén chọn theo kiểu cổ hủ, thì má sẽ không có cơ hội thấy đám cưới. Bởi vì tôi sẽ không lấy bất cứ ai trừ cô đào hát.

Nói xong Quang bỏ đi ra ngoài. Ông Tấn ở lại với nỗi tức giận tràn trề. Ông đi vô trong thấy bà ngồi trên chiếc xe lăn đã từ hồi nào. Chắc bà đã nghe cuộc nói chuyện của hai cha con. Ông lột cái nón tai bèo quạt phe phẩy vào người cho bà rồi nói khe khẽ.

– Con với chả cái. Biết vậy lúc nhỏ bóp mũi chết khuất đi cho rồi. Để lớn lên nó ương bướng cãi cha cãi mẹ.

Bỗng nhiên đôi tay của bà run run như muốn nói gì đó. Bà nhẹ nhàng gật đầu, những cử chỉ rất khó khăn.

– Bà cũng muốn nó lấy con nhỏ đào hát à? Xướng ca vô loài, mặt phấn môi son thì sao làm dâu nhà mình. Mình là gốc nông dân đã bao đời nay, cày cuốc quanh năm, lấy nhỏ đó về khi mệt mỏi nó hát cho nghe mà chẳng được việc gì hay sao.

Rồi ông đi ra sau vườn nằm võng suy nghĩ miên man. Cả ngày đó Quang ra đồng nhằm tránh mặt để khỏi phải tranh luận hơn thua. Nhà chẳng còn ai để ông tâm sự. Mỹ Na đứa cháu 14 tuổi đi học chưa về. Hoa thì lo cơm nước chăm sóc cho mẹ chồng bị tai biến. Vinh cũng đi đâu từ sáng đến giờ chưa thấy tăm thấy dạng. Mỹ Na học về, ông gọi ra sau để sai việc.

– Mày ra rẫy kêu chú Tư Quang về đây cho ông nội nói chuyện. Nhanh lên con.

Con bé dạ một tiếng rồi chạy một mạch ra phía con sông, rẽ trái để vào rẫy của gia đình. Thật ra cái rẫy chỉ là sau lưng nhà, nhưng do bị ngăn bởi cái hàng rào dây kẽm gai, phải đi đường vòng. Nơi ấy có mộ của cha ông, sau này vợ chồng ông mất cũng về đó an nghỉ. Lúc trước nghe đâu hai cô con gái muốn bảo lãnh cả gia đình sang Mỹ. Ông nhất quyết từ chối vì còn mồ mả ông bà. Ông không đi cũng đúng, vì công việc làm ăn ở đây càng ngày càng thịnh vượng, được mang tiếng là người của cách mạng nên cái gì cũng dễ dàng.

– Chú Tư ơi! Ông nội kêu về để nói chuyện.

Quang đang loay hoay nhổ cỏ thì dừng lại.

– Mỹ Na đi học về đó hả. Trời nắng sao không đội nón lên. Cháu về trước, xong lối cỏ bờ này chú Tư về ngay.

Con bé vội vàng rời đi. Quang nói thầm một mình «lại là chuyện lấy vợ sanh con, mà nhất quyết phải là con trai đây mà». Quả nhiên đúng như vậy, khi Quang về đã nghe ông đề cập tới việc cưới hỏi, cậy ông mai bà mối, chọn ngày lành tháng tốt để cưới vợ cho con.

– Tao cho phép mày lấy con nhỏ đào hát, đào đất gì đó. Nhưng khi về mày phải dạy phép tắc lễ nghĩa coi sao cho ưng ý. Không được ăn không ngồi rồi tối ngày chải chuốt. Về đây thì bỏ hẳn chuyện hát hò.

– Đương nhiên rồi. Nhà mình việc làm không xuể, đất vườn thì bao la. Làm đầu tắt mặt tối thời gian nào mà chải chuốt hát hò. Tía không thấy chị dâu Hoa đấy sao? Con nhà giàu nhưng về làm dâu thì cũng cơm nước, nhà cửa con cái, chăm sóc má chồng.

– Việc đó là trách nhiệm phải làm. Mày nói vào làm gì.

– Ý tôi, ai về làm dâu cũng không được ở không như trước.

Vậy là Quang chính thức lấy vợ

Đám cưới của họ lớn nhất trong vùng, 8 chiếc ghe đưa đi đón dâu tận xứ Ba Tri. Người ta ào ạt đi coi đông như lễ hội. Khi Muội về làm dâu, ban đầu ông có ác cảm vì trước đó Muội là đào hát. Nhưng thấy đứa con dâu ăn ở cư xử đầy nghĩa nặng tình, lại giỏi giang chu toàn mọi việc. Dù sao thì Muội vẫn là con nhà nghèo, vốn dĩ bản chất quê mùa nên sống cũng rất mộc mạc, ông đã không còn ác cảm từ đó. Ông chia một phần cho vợ chồng Quang, gồm 6 công đất để làm lúa, 2 công rẫy trồng bắp, mía, có mùa lại trồng đậu phộng. Thêm một chiếc ghe để khi thu hoạch chở nông sản mang đi bán. Vợ chồng Vinh thì 8 công đất, 5 công rẫy trồng dưa hấu, thêm một chiếc ghe. Hoa thuê thêm người để trông giữ rẫy dưa. Nghe nói người đàn ông này là chỗ quen thân với gia đình của Hoa vì trước đó đã làm công cho nhà Hoa, được tin tưởng tuyệt đối. Vợ chồng Vinh làm một cái chòi giữa rẫy cho người đàn ông ngủ canh giữ. Hàng ngày Mỹ Na hoặc Hoa mang cơm đến tận nơi, khỏi phải đi đâu vì sợ dưa bị trộm cắp. Riêng về vợ chồng Quang thì tự làm không thuê bất kỳ một ai. Tạm thời ông chia cho Vinh nhiều hơn là vì đã có con. Cũng có thể phần còn lại sẽ thuộc về Quang trong nay mai nếu Muội sinh con trai. Từ đó vợ chồng Quang chở thịt heo đi khắp nơi để cung cấp ra thị trường. Việc mổ heo chính thức ngừng khi bà mẹ chồng sắp mất. Còn lại chỉ tập trung vào nông sản, cuối mùa lại đi mấy ngày mới trở về. Có dịp đi ngang qua Gò Công để lên cảng Sài Gòn, đều ghé thăm Giàu, quà cho cô em gái bằng những thứ mình đã trồng trọt thu hoạch. Cô Út thương chị dâu Muội lắm! Lần nào ghé cũng bắt ở lại chơi đến mấy ngày mới cho anh chị về. Có lần Quang khoe.

– Báo cho cô Út một tin mừng. Chị Muội đang mang thai. Là con trai cục vàng của Tía chứ không phải chuyện giỡn chơi đâu.

Muội đánh nhẹ vào vai chồng.

– Anh thiệt là…! Mới có mấy tháng thì làm sao biết trai hay gái.

Cô Út Giàu cũng phấn khởi hớn hở vui lây.

– Thiệt hả anh chị? Trời đất ơi! Cuối cùng nhà cũng có cháu nội trai rồi.

Rồi cô Út nắm tay chị dâu thỏ thẻ.

– Ngồi xuống, ngồi xuống. Cứ để em dọn. Có thai rồi thì ăn uống nhiều lên. Mai em sẽ nấu thêm nhiều món cho chị bổ dưỡng.

Quang cười rồi nhìn sang cô em gái Út.

– Út cũng tranh thủ sinh con đi. Khi nào có dịp dắt cháu về ngoại chơi. Mà thôi! Anh chị phải về gấp, có tin vài ngày tới sẽ có bão. Lần sau sẽ ở lại chơi với cô dượng lâu hơn.

Nói xong, vợ chồng Quang chia tay với cô em gái để lái ghe về miền xuôi. Biết tin Muội có thai, ông Tấn mừng lắm! Ông không cho con dâu làm bất cứ việc nặng nhọc nào. Càng ngày cái thai càng lớn, ai cũng bảo đó là con trai. Đương nhiên ông cũng biết vì Muội thay đổi tính cách, tóc mọc nhanh, hay than vãn lạnh chân, da xấu hơn, ngủ hay nghiêng về bên trái, ít ốm nghén, và tăng cân rất nhanh. Hoa cũng biết đó là đứa con trai trong bụng của Muội. Từ đó Hoa nấu luôn cho Muội ăn, cũng thấy buồn khi mình không được ưu ái từ phía nhà chồng. Mặc dù vậy nhưng hai chị em dâu thương nhau lắm, nhìn vào cứ tưởng là ruột thịt một nhà. Muội thích ăn món canh khoai mỡ nấu với tép hoặc tôm. Ngày nào Hoa cũng nấu món này. Tự nhiên hôm nay sau khi ăn xong Muội cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, bụng đau âm ỉ. Cô vào phòng nằm rên rỉ, mọi người hỏi thì Hoa cho biết đó là dấu hiệu của việc sắp sinh. Nhưng tối đó cơn đau dữ dội, Quang đứng ngồi không yên! Cả Quang và ông Tấn lên kế hoạch đưa Muội lên huyện để bác sĩ thăm khám. Vinh chuẩn bị ghe, ông Tấn quá xót ruột cũng đi theo xem tình hình! Quang thì chăm sóc cho vợ. Ông Tấn liên tục giục Vinh phải chạy hết tốc lực, tuy nhiên chiếc ghe chưa tới sông ngoài đã chết máy vì cạn dầu. Trời bắt đầu mưa sấm chớp đùng đùng. Mưa ướt cả bốn người, ông Tấn điên cuồng hét lên: «rốt cuộc là cái máy nó bị gì. Tại sao lại hết dầu trong lúc nguy cấp này. Rồi bao giờ mới tới được nhà thương? Chiếc ghe này thường ngày mày lái, tại sao để cho hết dầu». Bỗng nhiên tiếng khóc của Quang thút thít rồi lớn dần. Quang hét lên.

– Không cần đi nữa. Muội đã chết rồi.

Ông Tấn nghiêm giọng có lời căm phẫn.

– Tao cấm không được ăn nói xằng bậy, xui xẻo trong lúc này là điều không nên. Chết cái gì mà chết. Còn thằng ba Vinh tiếp tục quay máy cho tao.

Nói xong ông lao tới cầm lấy đôi tay của đứa con dâu, da thịt đã lạnh buốt, đưa ngón tay vào mũi chẳng nghe một hơi thở nào phả ra. Ông điên tiết hét lớn, tiếng vang khắp con sông giữa đêm hôm khuya khoắt. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Ông lao tới túm lấy cổ áo của Vinh gằn giọng.

– Tại sao lại hết dầu?

Vinh gỡ tay ông ra kèm câu nói có vẻ đầy tức tối.

– Do hôm qua đưa Tía qua ngã ba Sông Cái để ăn giỗ nhà bác Bảy Phụng. Lúc về có đổ thêm đâu. Thôi thì xem như cái số con Tư đến đây thôi Tía. Dầu đã hết để con chèo về tạm.

Quang thì ôm lấy xác vợ gào thét thảm thiết. Ông Tấn như người mất hồn ú ớ chẳng ra được một tiếng nào. Ông trách trời rồi lại trách đất, trách luôn cái phúc đức họ hàng nhà mình. Đưa xác của Muội về đến nhà đã hơn 2 giờ sáng. Ba người đàn ông đã quên đi sự mệt mỏi, họ bắt tay vào việc để chuẩn bị làm ma chay. Cái tin con dâu thứ Tư của nhà ông Tấn vừa bị sảy thai chết cả mẹ lẫn con được lan truyền khắp nơi. Mọi người ai nấy đều bàng hoàng vì cách đây ít ngày họ còn thấy hai vợ chồng cùng ra thăm rẫy mía. Sáng đó người ta kéo đến viếng rất đông, lúc còn sống Muội rất được lòng bà con lối xóm. Cứ lần nào ai mua gì Muội đều cho thêm mà chẳng tính toán chi li. Người ta thương cái tính của cô đào hát bạc mệnh ở cái chỗ đó, biết tình biết nghĩa. Cả nhà ông Tấn mặt ai cũng đều nỗi buồn đau! Quang và ông Tấn im lặng gục đầu chẳng còn tâm trí để nói chuyện với mọi người xung quanh. Hoa thì khóc ngất lên ngất xuống đầy nỗi bi thảm, vì chị em dâu như tình nghĩa ruột thịt, mà nay đã không còn chung mái nhà. Vinh còn chút bình tĩnh để tiếp khách, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện từ đêm qua với bà chung quanh.

Mấy ngày nay ở Ba Tri bà Nụ thường nằm mơ thấy con gái. Đã liên tục 3 đêm, một giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Bà thấy Muội ướt sũng, mặc chiếc áo bà ba màu trắng, gương mặt rất buồn cúi xuống khóc sướt mướt. Đứng trước cửa nhìn vào mà chẳng chịu bước vô nhà. Cái vía của bà hỏi:

– Sao con lại về đây! Bộ cãi nhau với thằng Quang hay sao? Thôi đừng khóc nữa, khi nào thằng Quang nó lái ghe hàng có ghé lại đây má sẽ rầy la. Thôi vô nhà thay đồ để lạnh rồi mắc bệnh.

Rồi bỗng dưng cái dáng Muội đứng đó cứ mờ dần…mờ dần đến lúc mất hẳn. Giấc mơ ngắn gọn chỉ có thế nhưng nó cứ lặp đi lặp lại đến mấy đêm liên tục. Trong lúc ăn cơm chiều bà kể lại giấc mơ cho ông nghe.

 Chẳng biết lý do gì mà tôi cứ nằm mơ thấy con Muội. Quần áo ướt như chuột mắc mưa. Nó đứng trước cái hàng rào nhìn vào nhà, chẳng nói chẳng rành mà cứ khóc. Cái mặt nó buồn hỉu buồn hiu. Rồi tự nhiên nó mờ từ từ y chang lớp sương mù đến khi không còn thấy thì tôi mới giật mình tỉnh giấc.

Nghe xong ông chép miệng thở dài.

– Bà nói cứ như trong phim. Trên sân khấu cải lương mình diễn, ngoài đời nó khác xa lắm. Đó là cái tuồng mình đã diễn rồi. Bây giờ mà bà còn nhập vai chi nữa.

– Tôi đang nói giấc mơ, cứ nằm xuống là thấy y chang vậy, đã mấy đêm liên tục rồi. Chẳng biết đây là điềm gì nữa?

– Bà nhớ nó nên mơ, chứ có cái gì mà điềm với đạm. Từ lúc bụng mang dạ chửa thì nó đâu có theo thằng Quang đi ghe hàng mà ghé lại thăm mình. Không gặp quá lâu nên nhớ đó.

– Sao tôi thấy trong bụng nó cứ lo lo sao đó. Mà cũng chẳng biết là chuyện gì nữa?.

– Đúng là già rồi lo mấy chuyện tào lao. Khi nào đẻ xong thì nó về đây thăm bà. Lúc đó hết mơ. Thôi chuẩn bị phục trang để tối nay diễn sân đình. Cái này mới đáng lo đây.

Nói xong ông vội vã đi ngay. Bà cũng theo ông để tập tành nhằm tối nay hát mở màn.

Từ lúc vợ mất Quang hoàn toàn không còn tâm trí nào để lo những việc khác. Thậm chí chuyện hết sức hệ trọng là cho ba má vợ biết về cái chết của Muội nhưng Quang cũng không làm được. Thứ nhất quá xa, thứ 2 chẳng biết cha mẹ vợ có ở nhà hay không, lúc đi diễn nơi này, lúc đi diễn nơi khác, thường xuyên vắng nhà. Thứ 3 là anh đang suy sụp tinh thần, thôi thì cứ để đó đợi một thời gian nguôi ngoai, có về dịp về Ba Tri rồi báo tin sau! Dù biết 2 ông bà già sẽ cực kỳ sốc khi nghe. Từ đó Quang cứ đứng trước di ảnh của vợ mà nước mắt lưng tròng. Ông Tấn cũng không thua gì anh, ít nói hẳn đi thường trầm ngâm một mình. Mọi việc trong nhà đều trút lên vai của vợ chồng Vinh lo liệu.

Từ ngày Muội mất Hoa như hóa điên. Có lúc đang ngủ tự nhiên ngồi bật dậy ngước mặt lên trần nhà cười khanh khách. Có khi Hoa mặc nguyên bộ đồ màu trắng rồi ngồi trước gương xõa tóc che phủ mặt, đưa lược lên mà chải. Đã nhiều lần cả Vinh và Mỹ Na đều kinh hoàng bạt vía khi nhìn thấy trong sự bất ngờ. Chẳng ai biết lý do gì, có lẽ vì quá thương đứa em bạn dâu, không chấp nhận nghịch cảnh nên tâm trí hoảng loạn. Có khi khóc có khi cười. Có khi mở toang cửa sổ, rồi lặng lẽ đi ra ngoài, tóc xõa mặc đồ trắng, đứng ngoài nhìn vào 2 cha con đang ngủ. Khi Mỹ Na giật mình thức giấc nhìn ra trông thấy, nó bỗng hét lên rồi miệng gọi to: «ma, ma». Nghe con la lớn làm Vinh cũng thức giấc, cả hai cha con cùng nhìn ra cửa sổ, trước mắt họ là một cảnh tượng rất kinh hoàng mà từ thời cha sanh mẹ đẻ lần đầu tiên mới thấy. Một bóng ma tóc dài che kín mặt, hai tay vịn vào khung cửa, đứng yên không động đậy nhìn hai cha con ngủ đã từ hồi nào rồi. Nghe tiếng la thất thanh của hai cha con Quang tới gõ cửa để xem có chuyện gì. Vinh kéo tay Mỹ Na rời khỏi giường, giọng nói lắp ba lắp bắp.

– Ma…ma…ma… ma nó đứng ngoài cửa sổ kìa chú Tư Quang ơi.

– Muội mới mất anh đừng nói ma này ma nọ. Đứng đây để tôi ra xem thứ đó là cái gì.

Quang cầm ngọn đèn tức tốc chạy ra ngoài. Đến nơi, bóng người phụ nữ áo trắng vẫn còn đứng đó. Quang nạt lớn.

– Đã khuya rồi mà sao chị không ngủ lại ra đây giả ma giả thần. Chị muốn mọi người hiểu lầm là vợ tôi mới mất hay sao?

Bỗng nhiên Hoa cười hả hê, chỉ tay về phía hai cha con rồi nói không đầu chẳng đuôi.

– Sợ… haha… có người sợ… sợ quá… sợ quá…sợ.

Bây giờ thì Vinh và Mỹ Na biết đó không phải là ma mà chỉ là Hoa lên cơn điên. Chẳng biết đây là lần thứ bao nhiêu Hoa làm họ sợ đến phát khóc. Từ đó Vinh đưa Hoa đi chữa trị khắp nơi, nhưng kết quả đều khẳng định Hoa hoàn toàn bình thường không bị bất cứ một chứng bệnh nào liên quan đến vấn đề thần kinh. Cũng có nhờ đến các thầy cúng đến làm lễ trừ tà nhưng đâu vẫn vào đấy. Kể từ đó Vinh cho Hoa ngủ riêng biệt ở một căn phòng trống. Tối tối nghe tiếng khóc lẫn tiếng cười của Hoa đến ghê rợn sống lưng. Những thứ ngôn ngữ kỳ lạ được phát ra. Có khi Hoa tự mở cửa đi ra ngoài, lúc thì mặc đồ trắng, lúc thì đồ đỏ. Cứ đi vất va vất vưởng dọc theo con sông. Có người đi cắm câu nhìn thấy đã quăng cần câu và cả dép bỏ chạy. Có một hôm chiếc ghe hàng của ai đó chạy qua, thấy bên cầu ván có một bóng ma áo trắng ngồi bó gối, chiếc ghe ấy đã mất kiểm soát đâm thẳng vào bờ. Mấy bà chạy xe đạp đi lấy hàng khuya để kịp sáng bán, qua đoạn này vừa thấy Hoa họ giật mình lủi thẳng vào trong bụi lùm. Từ đó người ta đồn nhà ông Tấn có ma. Bóng ma của Muội vừa mới mất. Nhưng có người hiểu chuyện cãi lại “đó không phải là ma, chỉ là vợ của Vinh bị chấn động tâm lý sau cái chết của Muội”. Tuy vậy nhưng cũng có đám thanh niên trong xóm cá cược với nhau để xem lá gan ai lớn hơn. Đợi khuya họ sẽ đến để xem con ma nó trông như thế nào, vì nào giờ chỉ nghe kể và đồn thổi từ dân gian mà chưa một lần được biết. Cuối cùng cũng có kết quả đó chỉ là một người bị tâm thần đi lang thang giữa khuya, chẳng phải ma cỏ nào hiện hình! Tin đồn thất thiệt cũng bị dập tắt kể từ dạo ấy. 

Nhưng có một buổi sáng người ta tập trung đông nghẹt trước nhà ông Tấn. Dưới sông là một thi thể không đầu đang nổi lềnh bềnh. Nhìn vào bộ đồ với tướng tá họ đoán nạn nhân là phụ nữ. Đây là chuyện chấn động dư luận vì trước tới giờ xóm này vốn dĩ rất bình yên, không hề có cướp của giết người. Người ta vớt cái xác lên để trên đường, dân kéo tới xem rất đông, thậm chí con đường bị tắc nghẽn do lượng người có tính hiếu kỳ không chịu rời khỏi hiện trường. Chẳng biết nạn nhân là ai vì hoàn toàn không có cái đầu để nhận diện. Tuy nhiên Vinh vẫn nhận ra nạn nhân chính là Hoa, bằng chứng là chiếc vòng cẩm thạch vẫn còn đeo trên tay và một ít vàng vòng. Không thể nào nhầm lẫn, cũng đồng nghĩa với việc đã giải đáp, đây không phải là vụ án cướp của giết người như đám đông suy diễn. Rõ ràng là vàng vòng còn đầy đủ trên thi thể của Hoa. Mỹ Na không dám nhìn mẹ mình, vì không có cái đầu, dưới khắc cổ còn vài dấu bị chém hoặc vật sắc bén nào đó khứa đến rời ra. Nhà chức trách đến điều tra nguyên nhân cái chết, pháp y cũng có mặt, chuẩn bị tiến hành nghiệp vụ. Nhưng kỳ lạ thay, họ không gặp bất cứ sự tác động nào gây ra để dẫn tới cái chết. Nếu là tự sát nhảy xuống sông thì tại sao lại mất cái đầu. Chẳng lẽ nạn nhân tự chặt ở trên bờ rồi nhảy xuống sông ư? Vậy thì quá hoang đường. Cũng chẳng thể nạn nhân xuống sông rồi tiến hành chặt đầu. Vụ này có lẽ vô cùng phức tạp. Cuối cùng họ kết luận rằng: nạn nhân bị sát hại trên đường rồi hung thủ vứt xác xuống sông. Nhà chức trách tiến hành mở rộng cuộc điều tra, triệu tập tất cả những ai tới lui với gia đình nạn nhân. Được biết gia đình ông Tấn không có bất cứ mâu thuẫn nào với bà con lối xóm. Trước đó khi chưa bị chấn động tâm lý, Hoa và Vinh có đến rẫy dưa để xem xét năng suất chuẩn bị kỳ thu hoạch. Tới nơi thấy người giữ đã nằm ngủ quên, đàn bò của ai ngoài kia đang chuẩn bị tiến vào giẫm phá. Thế là Hoa buông lời la mắng người trông giữ, rất có thể mâu thuẫn đã xuất phát từ đây. Vậy là nhà chức trách triệu tập người đàn ông làm thuê cho vợ chồng Vinh, người này tên Viễn, từng làm công nhiều năm cho gia đình của Hoa ở trên huyện. Viễn không hề biết gì về cái chết của Hoa, những lời khai cũng đúng với sự thật như nhà chức trách đang điều tra. Vậy là Viễn hoàn toàn không liên quan, kể cả hiện trường cũng chỉ có duy nhất dấu chân của Hoa. 

Thôi xem như Hoa chết vì tự tử dù biết rất khó thuyết phục. Bây giờ là phải đưa thi thể về để chuẩn bị lo hậu sự, nhưng phải tìm cho ra cái đầu để đầy đủ bộ phận mới tiến hành tẩm liệm. Chiều đó lũ trẻ tắm sông ở dưới ngã ba, chúng kinh hoàng khi phát hiện một cái đầu bị mắc kẹt trong đám lục bình, rồi vướng lại dưới chân cầu khỉ bắt ngang. Chúng báo người lớn biết, họ thông báo cho gia đình ông Tấn để tới nhận lại một phần thi thể còn lại. Vậy là trong thời gian ngắn nhà ông Tấn có tới 3 cái tang. Một là vợ ông, hai là Muội, ba là Hoa. Người ta nói gia đình ông bị trùng tang, vì bà mất vào đúng ngày xấu nên kéo theo nhiều người. Tuy nhiên nhiều chuyên gia tâm linh, thầy cao tay cho rằng không đúng, chỉ là sự ngẫu nhiên, không phải trùng tang như lời đồn thổi. Cuối cùng mọi người thôi không nhắc tới trùng tang mà cho rằng gia đình ông không có đức nên vận hạn đen tối. Thời cha của ông thì cướp của đánh dân đen, theo Tây làm nhiều điều bất chính. Thời của ông thì làm giàu bằng nghề sát sinh nên bây giờ phải trả giá. Đương nhiên đó chỉ là những lời đàm tiếu sau lưng chưa lọt đến tai ông. Cũng có người cảm thông thương xót, vì chỉ trong thời gian ngắn ngủi, gia đình ông có tới 3 người ra đi, đáng nói nhất là 2 cô con dâu còn quá trẻ. Từ đó, ông Tấn buồn chán thấy rõ. Chẳng biết lý do gì mà ông lại không cho phép Hoa nằm trong phần mộ của gia đình. Vinh đành phải lập mộ cho vợ ở phần đất riêng, thật khác xa với Muội. Lẽ nào từ lâu ông chưa xem Hoa là con cái trong nhà. Tại sao Muội được chôn cất ở phần đất gia tiên nhưng Hoa thì lại không? Tại sao khi cả 2 đều là con dâu?

Từ ngày Hoa mất nghe nói linh thiêng lắm. Người ta thường gặp một bóng ma không đầu vất vưởng phía trước con sông. Có anh kể lại rằng: 3 giờ sáng đạp xe ngang nhà ông Tấn để đem rau ra huyện, cảm giác xe quá nặng anh nhìn lại thì bất ngờ một bóng ma không đầu đang ngồi phía sau quá giang. Anh vứt luôn chiếc xe chạy đi thật nhanh. Bọn trẻ mục đồng thì kể lại với người lớn rằng: chúng đang chăn trâu cạnh rẫy dưa thì thấy có nhiều trái to, nhưng không dám hái trộm vì có ông Viễn đang canh giữ. Thế là chúng lên kế hoạch tối nay sẽ đi ăn trộm. Nói là làm, bọn chúng có tất cả 4 đứa, đi theo con sông, tắc qua bụi tre đến nơi rẫy dưa. Thấy ông Viễn đã ngủ, chúng vào hái đại một trái rất to tròn, rồi rời khỏi hiện trường. Đi kiếm nơi thích hợp chia nhau ăn để tránh bị phát hiện! Nhưng trời ơi, nhìn xuống đó không phải là quả dưa mà là cái đầu của cô Hoa. Chúng văng luôn rồi ba chân bốn cẳng mà cắm đầu chạy tán loạn. Mỗi người kể về việc thấy cô Hoa ở mỗi điểm khác nhau, nhưng cũng có người chẳng tin, vì cho rằng: «thấy hay không là ở mỗi cá nhân, điều ấy ai có thể chứng minh. Riêng bọn chăn trâu nói thì chưa chắc là sự thật, dù biết con nít không hề biết nói dối, nhưng lũ này có phải con nít đâu, chúng phá phách còn hơn quỹ. Lấy cái gì để tin! Thế sao nào giờ tôi không thấy». Họ cãi nhau, vì không biết phải chứng minh như thế nào. Riêng có một điều này xâu chuỗi lại có thể đúng với những gì đã xảy ra. Đó là ông chủ ghe, người ở miệt thứ, tìm đến tận nơi mua lễ vật để cúng cô Hoa. Ông kể rằng:

– Tối đó tôi đang ngủ tự nhiên nghe tiếng khóc rên rỉ ở trước đầu ghe. Lạ đời, nào giờ làm gì có chuyện này. Khi ghe cập bến buộc dây vào bờ, thường có cái thang cây để đi ra đi vào, nhưng lúc ngủ tôi thường rút cái thang lại vì sợ người ta leo lên trộm đồ. Thế thì ai đã lên ghe được mà ngồi khóc thảm thiết. Khi bước ra xem tình hình, tôi tá hỏa vì thấy một bóng ma áo trắng không có cái đầu đang ngồi co ro. Nhưng kỳ lạ hơn đã không có đầu thì tiếng khóc và giọng nói ở đâu phát ra? Sao tôi lại nghe. Ông chủ ghe tìm đến tận nơi để cúng và kể lại sự việc cho những người xung quanh nghe, đã nhiều lần thấy bóng ma cụt đầu ngồi khóc trước mũi ghe.

Ông đốt điếu thuốc rít vài hơi để lấy bình tĩnh rồi chậm rãi kể: sáu đêm nay liên tục bóng ma không đầu xuất hiện trên ghe của ông, không phải là mơ mà đó là sự thật, bằng chứng là ông tự tát vào mặt thấy đau điếng. Ông là người lái ghe đi đây đi đó để mua bán, nhiều lần ngủ bờ ngủ bụi chẳng sợ gì ma quỷ, nhưng hôm nay thực sự rùng mình khi đối diện với một vong hồn. Chẳng biết lý do gì mà Hoa lại lao mình xuống sông để tự vẫn, có thể là một thế lực huyền bí nào đó sai khiến. Hoa chết được 2 ngày cái xác chìm xuống vướng vào cây cọc, do trước đó người ta làm cầu rồi tháo dỡ còn sót lại vài cây. Khi chiếc ghe của ông đi qua, chân vịt chạy máy đã chém ngay cổ dẫn tới đứt lìa. Thế nên mỗi tối đều bị oan hồn ấy đến đòi lại cái đầu nên bây giờ ông phải tới cúng tạ lỗi.

Người ta tin rằng lời nói của ông là thật, hợp lý với tình tiết đã xảy ra. Có thể chân vịt của ghe máy đã chém lìa đầu. Bởi vì nó là một dạng chong chóng có sức quay cực mạnh dưới nước sâu. Từ đó không ai nghe đến hồn ma không đầu của Hoa hiện về nữa. Về phần gia đình của ông Tấn cũng nghe loáng thoáng người ta kể, nhưng chưa bao giờ gặp cả Muội lẫn Hoa dù chỉ là trong chiêm bao. Nhưng đêm nay tự nhiên nhà ông lại xuất hiện nhiều hiện tượng lạ. Ban đầu là những âm thanh quái dị, có vật gì đó rất tròn như quả bóng lăn từ cầu thang xuống tới nền nhà. Ngỡ như cái đầu của Hoa từ trên lầu lăn xuống, tiếng bịch…bịch… kéo dài, nhưng khi ra kiểm tra thì ba người đàn ông chẳng thấy gì. Ngoài trời gió vẫn xào xạc trên những tàng cây không gian bao trùm một màu đen thăm thẳm. Nơi này cây cối âm u, con đường đất cát, hai bên là những cây gòn xen lẫn me nước trải dài đến cuối xóm. Nhà nào cũng sau hè bụi chuối hàng dừa, cái ao, phía trước là lũy tre. Chưa nói đến cây rơm trước sân đứng uy nghiêm to đùng nếu nhà ấy có nuôi trâu bò. Cây cối rậm rạp um tùm tiếng xào xạc khi trở gió cứ hòa lẫn vào đêm. Vinh nghe rõ tiếng khua chén, rồi tiếng rên rỉ, kèm tiếng khóc bi ai. Vinh lay Mỹ Na dậy, hỏi khe khẽ.

– Con có nghe gì không?

Mỹ Na dụi mắt rồi nhẹ lắc đầu vì chẳng nghe thấy gì. Vinh lắng tay nghe rồi nói nhỏ cùng con.

– Đó. Tiếng khóc lúc có lúc mất. Đó…đó… nghe chưa?

Mỹ Na sợ hãi nép vào người Vinh. Nó nói nhỏ vào tai anh.

– Hay là cha con mình sang ngủ với chú Tư Quang đi ba. Con sợ quá.

Nghe hợp lý vì Quang là người gan dạ, chưa biết sợ ma cỏ là gì. Hay nói cho đúng là Quang hoàn toàn không tin vào những điều thiếu căn cứ thực tế. Hai cha con mò mẫm đi chậm chạp đến căn phòng của Quang. Mỹ Na ngoái đầu nhìn lại nó hốt hoảng đứng chết trân vì trước mặt nó là một bà già ngồi trên chiếc xe lăn từ nhà trên nhìn xuống không hề chút cử động. Trời sấm chớp thấy rõ gương mặt, người đó không ai khác chính là bà nội. Bà chỉ tay về phía nó rồi nói.

– Mày không phải cháu của tao.

Một tiếng sấm nổ tung làm nó hoàn hồn. Nhìn lại thì không còn thấy bà nữa, mặc dù có những tia chớp đang diễn ra tiếp theo. Nó nói lắp ba lắp bắp.

– Con… mới… thấy… bà… nội…

– Sao! Con thấy ai chứ. Bà nội à?

– Phải! Bà nội ngồi trên chiếc xe lăn ngay cạnh bàn trà. Bà nội còn nói chuyện.

– Con đừng dọa ba nữa Mỹ Na ơi. Lúc còn sống nội bị tai biến, miệng méo một bên có nói chuyện đâu. Chắc là do nghe tiếng khóc sợ quá rồi nhìn ra đủ thứ. Thôi mình cứ tới phòng chú Tư để ngủ tạm.

Quang bị đánh thức vì tiếng gõ cửa rầm rầm. Anh ra mở cửa, tay dụi mắt cái miệng còn ngáp ngáp.

– Có chuyện gì, mà cha con tới gọi om sòm vậy.

– Chú cho chúng tôi ngủ nhờ đêm nay được không. Cha con tôi sợ quá.

– Sợ cái gì! Đây là nhà của chúng ta đã sống từ lúc mới chào đời. Có gì đáng sợ.

Mỹ Na vội vàng lên tiếng.

– Chú Tư Quang ơi! Lúc nãy con gặp bà nội ngồi trên chiếc xe lăn ngay cạnh bàn trà.

Quang bỗng nhiên cười khề khà.

– Từ ngày nội mất, chú ước được thấy một lần mà còn không được. Vậy thì vinh dự cho cháu quá còn gì.

Chẳng biết đó là câu nói thật hay chơi mà Mỹ Na nghe xong lại cảm thấy bớt sợ. Vinh cũng tiếp lời con.

– Không những vậy mà tôi còn nghe tiếng khóc.

Quang gạt ngang câu nói.

-Bậy bạ! Ai khóc? Chắc là tiếng mèo hoang nó kêu nên anh nghe thành ra như thế.

– Chính tai tôi và Mỹ Na nghe tiếng khóc của một đứa con nít.

– Đúng rồi! Tiếng mèo kêu đấy. Nghe y hệt con nít khóc vậy. Nhát gan quá, thôi muốn ngủ thì cứ vào.

Từ đó mỗi đêm 2 cha con đều ngủ chung phòng với Quang. Chẳng biết có phải vía Quang thuộc dạng nặng hay không, nhưng từ khi sang 2 cha con không nghe bất cứ động tĩnh gì. Điều kỳ lạ hơn là tại sao chỉ có 2 cha con thấy riêng Quang và ông Tấn thì hầu như là không. Từ ngày 2 đứa con dâu mất, gia đình liên tục xảy ra nhiều biến cố ông Tấn yếu đi trông thấy. Ông không nói chuyện, ăn rất ít, cũng không đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè, thường ngày ngồi bên giường thẫn thờ nhìn ra cửa sổ đăm chiêu. Ông gầy gò, xanh xao, huyết áp tăng cao khiến cơ thể mệt mỏi suốt ngày chỉ nằm. Quang đòi đưa lên nhà thương trên huyện để khám chữa, ông nhất quyết từ chối. Ông gia trưởng, khắt khe, mỗi lời nói đều là một mệnh lệnh, ngay từ lúc bà còn sống cũng không khó tính như ông. Ông là người chịu khó chịu làm, tuy giàu có nhưng không ăn chơi lêu lổng. Hai người con trai cũng chịu ảnh hưởng sự giáo dục của ông ngay trong trứng nước. 

Quang giống hệt cha mình về đức tính giản dị không chơi bời la cà. Riêng Vinh nghe đâu ngày trước có bồ nhí ở bên kia sông, biết tin đó ông đòi đâm giết chết, thế là từ đó Vinh chấm dứt, chỉ một lòng với vợ con. Vậy mà giờ ông như cái xác không hồn, tuy không nói chỉ nằm một chỗ nhưng trong gia đình không ai dám hó hé. Đương nhiên là chuyện ma quỷ ông không tin điều này thì ai cũng biết. Lúc sinh thời bà rất mê tín dị đoan, thường lén ông rồi kêu út Giàu lấy ghe đưa ra sông ngoài để coi bói. Chẳng biết thầy gieo quẻ có đúng hay không, nhưng 2 mẹ con rất thường xuyên đi. Có một lần ông phát hiện rồi la mắng om sòm, cho rằng đó là trò nhảm nhí lừa đảo người đời. Nếu đi xem bói mà làm giàu thì tất cả trên đời này ai cũng phải đi xem. Dù biết vậy, nhưng người ta vẫn ào ạt đi coi bói mỗi khi có chút gì bế tắc trong cuộc sống, mặc dù chính quyền bài trừ mê tín dị đoan, nhưng các vùng quê hẻo lánh người ta thường rất tin…..

KD

Nguồn: http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2024/05/truyen-ma-bong-con-kd.html

Leave a comment