Ngược nguồn nhan sắc – Đông Hà

on

Đông Hà

Một ngày cuối Đông, tôi đi về cửa biển Tư Hiền. Bờ sông đầy gió. Mưa loay hoay. Đứng ở cầu Trường Hà nhìn xuống, cửa biển bé như một bàn tay vừa mở, ngón cái choãi ra, từ đường chỉ bàn tay, sông đổ mình ra biển cả. Cửa Tư Hiền, tục gọi là cửa Ông hay cửa Biện là cửa biển thông đầm Cầu Hai với Biển Đông. Đây là một trong hai cửa biển chính của hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai của Việt Nam. Cửa Tư Hiền nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo sách cũ, cửa biển này xưa thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên đổi tên thành Tư Dung. Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến, dung là nét mặt, dung nhan, ý nghĩa cũng gần như chữ tư dung, là vẻ mặt, là dáng dấp của người đàn bà đẹp. Dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này, ý hẳn người Việt lúc bấy giờ một đàng muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, nhưng đàng khác cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã biết hy sinh hạnh phúc cá nhân cho việc mở mang bờ cõi.

Men theo con đường nhỏ ngoằn nghèo hun hút, tưởng chừng đi vào một thung sâu khi đường đi hai bên là đá và núi đan nhau, thì hiện ra cuối đường là biền bãi. Không biêng biếc xanh non, mà là trắng xóa của nước non hùng vĩ. Đi hết con đường bé nhỏ, người ta bắt gặp một không gian rộng lớn khoáng đạt. Nơi có núi thò chân xuống biển, có sông lấp ló ra khơi. Nơi có gió phóng khoáng, có mây bao la, có ruộng đồng đầm phá… Tất cả tạo nên một cảm giác rợn ngợp trong tôi.

Bèn chọn một chỗ ngồi đằm địa nhìn ra. Đó là một mỏm đá nhìn ra phá, ngước lên bắt gặp núi Túy Vân. Chữ người xưa luận nghe khó khăn trắc trở, kẻ đời nay hèn kém là tôi tìm ra cách lý giải cho mình. Túy Vân sơn tự nghĩa là núi mây say, núi say mây, say mây núi… Kiểu gì cũng quấn quýt hòa quyện trong nhau.

Advertisement

Tôi nghĩ về những người đàn bà đẹp sinh ra trong đời và đã đến sống trên mảnh đất kinh thành Huế. Tôi ngược nguồn lạch sông đi lên phía thượng nguồn, bắt gặp người con gái Di-gan tên Hương phóng khoáng hoang sơ bước ra từ rừng già của trang văn Hoàng Phủ, thả theo dòng chảy của nàng, tôi nhẩn nha như một kẻ nhàn du bước theo những trinh nguyên cội cành mà chiêm bái hình bóng những giai nhân.

Giai nhân đầu tiên hiện lên trong tâm trí tôi, đó là Mụ Trời. Hình ảnh một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”(*) như một điềm báo dẫn đưa vó ngựa chúa Nguyễn những ngày đầu rong ruổi lên chốn Hà Khê mưu sự nghiệp lớn, khởi đầu cho cho vương triều nhiều lộng lẫy huy hoàng mà cũng lắm lắm đau thương.

Tôi đã gặp Nữ Thần Mẹ xứ sở khi dớm bước chân lên ngôi đền ngọc nơi mỏm núi dịu dàng khoan thai chìa đón những ưu tư phiền muộn của người đời ghé lại. Đó là giây phút lỡ tay đánh rơi chén ngọc của một vị quân vương, cũng là nơi khởi sinh một câu chuyện dân gian đẹp, để những người đàn bà đẹp quần tụ về đó, mây nước bồng bềnh, nhan sắc thấp thoáng, hiển linh bao tốt lành cho người đời sau mỗi bận ngang qua bao giờ cũng ngước nhìn với tâm thành tín ngưỡng, cũng là một cách thanh tẩy tâm hồn mình đang vẩn đục bởi bụi trần gian. Đó là điện Hòn Chén, là nơi ngày xưa người Chàm thờ Nữ thần PoNagar, sau đó người Việt theo Thiên Tiên Thánh Giáo tiếp tục thờ bà với danh xưng là Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Rồi Mẹ Liễu Hạnh, Vân Hương Thánh Mẫu cũng về đây tụ hội. Những người đàn bà vàng son lộng lẫy mỉm cười uy nghi trên ngôi cao nhìn xuống, phát cái nhìn bao dung mầu nhiệm.

tôi thường đạp xe lên ngả Thiên Mụ, (Hình: Wikimedia)

Lạ một điều, những người đàn bà đẹp, tự xa xưa, vô tình hay hữu ý lưu lạc về đây, đều lấy sông làm nơi nương nhờ và trú ẩn. Vì vậy, cô gái Di-gan phóng khoáng và hoang dại từ dãy trùng sơn kia, khi đến khúc ngoặt đã buông một tiếng “Vâng” dịu dàng khôn xiết tả như nhà văn kia từng phát hiện, phải chăng, vì nàng đã ngước mắt nhìn những Người Mẹ tổ và xấu hổ nhận ra sự hoang dại của mình thật là điều sơ suất của một người con gái chốn thần kinh. Mà uốn mình dịu lại. Mà hiền. Mà ngoan. Mà thong dong thật đoan trang về với thành phố nhỏ nhắn như vầng trăng non mùa hạ đang chờ mình dưới kia.

Thành phố đó, trở về sau, tôi nhận ra nó đã mang trong mình Tính-nữ đẹp.

Những buổi chiều mùa hạ, tôi thường đạp xe lên ngả Thiên Mụ, ngắm con đường thật đẹp trải dịu dàng bên bờ sông nhẹ nhàng yên tĩnh. Có lẽ, trong đời sống bắt đầu nhanh lên của Huế, con đường này vẫn giữ được hơi thở dịu dàng chậm rãi của trời đất xứ này. Đường đủ rộng cho những chuyến xe chở khách du lịch xuôi ngược lên các điểm chùa chiền lăng tẩm, nhưng không quá lớn gây cảm giác choáng ngợp. Thêm bờ cỏ xanh bốn mùa tươi mươi của triền sông thoai thoải khiến người đi như lạc vào cảm giác của học trò tứ xứ thuở xưa đang lai kinh ứng thí kiếm chút công danh với đời, mà vô cùng thơ thới, vô cùng nhàn du.

Từ con đường xanh mươn mướt đó, tôi nhớ về những người con gái đẹp hôm nay ở xứ này.

Không như những vùng đất khác, khi nói đến con gái, thường hay chỉ tên điểm mặt, thì người con gái Huế hiện lên bằng sương khói, mờ ảo từ hình hài đến tính cách. Ai qua Huế, gặp người con gái mình thương, khi rời bước, cũng đều ngẩn ngơ bởi hình ảnh lưu đọng lại trong tâm hồn không phải là một nét đậm dễ hình dung, mà thay vào đó, là những mơ hồ bâng khuâng vấn vít.

Bâng khuâng vì tiếng dạ thưa. Con gái Huế lạ lùng, đứng trước người khách lạ ngoại gia tộc, bao giờ cũng chỉ dám thể hiện mình lấp lửng. Hỏi xa hay gần? Dạ không gần không xa. Hỏi đồng ý không? Dạ, răng cũng được. Hỏi bằng lòng chưa? Dạ cũng chưa biết chừng. Chỉ chừng đó thôi mà người hỏi hỏi hoài không xong, người thưa thưa hoài chưa hết. Người nơi khác đến chưa biết ý, không đủ kiên nhẫn sẽ không bao giờ mở được cánh cửa tâm hồn người con gái cố đô. Vì vậy mà thiên hạ kêu con gái Huế khó. Nhưng cũng có khó chi mô, nếu khách đường xa biết ý, ngó cách cô gái nghiêng nón che mặt, hay vén tà áo làm duyên, sẽ biết câu trả lời gửi vào trong đó ra sao.

Con gái Huế nói bằng cử chỉ, ánh mắt nhiều hơn ngôn từ thể hiện.

Vì vậy, thời nay khi làng-mốt-thời-trang-áo-dài-váy-ngắn ngày càng ngập tràn trên thế giới Facebook, con gái Huế vẫn giữ phục sức lối xưa mẹ mình truyền lại. Vẫn chiếc áo dài tà rộng dáng suông vừa ôm tròn thân trên vừa bảo bọc thân dưới giúp người con gái vừa uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng cũng kín đáo thướt tha, vẫn chiếc khăn vành giữ gìn nếp tóc, thêm cái kiềng bạc đơn giản và sang trọng tôn cao ngấn cổ.

Người con gái Huế hiện lên các trang bìa tạp chí, các font pano quảng bá hình ảnh về Huế vẫn đài các kiêu sa mà dịu hiền thương mến. Tất cả dáng vẻ đó được gói trong ánh mắt thật trong veo mà sâu thăm thẳm, cứ như thể đôi mắt ngọc đang giấu cả một trời nước Hương Giang.

Đẹp như thể đẹp từ xưa vọng lại. Từ đất trời sông nước cỏ cây hòa vào.

Nhưng làm sao để hiểu được cái ánh mắt trời nước Hương Giang kia nếu không quan sát từ nếp ăn nếp ở người con gái xưa ở đó?

Trên mảnh đất từ hơn 700 năm trước, Huyền Trân đã cất bước qua sông đổi về Ô Châu Ô Lý, thì dẫu không sinh ở đây, nhưng nàng đã trở thành người con gái đầu tiên để tên mình lại cho xanh sử. Lịch sử mở cõi ghi tên nhiều bậc khai quốc công thần. Lịch sử giữ quốc cũng bảng vàng đề liệt bao anh hùng hào kiệt. Nhưng trộm nghĩ, nếu không có bước chân Huyền Trân ra đi ngày ấy, một bước ly hương bỏ cố quốc sau lưng, nàng đã để lại một tấm lòng tuyệt đẹp, thì biết đâu mảnh đất này không biến dời đổi vào tay ai. Như vậy, là nhi nữ thường tình sao lại có bước chân mở cõi rộng đến dường kia, nếu không có một trí huệ khôn ngoan biết gạt qua nỗi u tình của trái tim.

Tấm lòng người con gái đã giải quyết cả vấn đề đại sự của nước non, hỏi sao, hậu duệ về sau mỗi lần nghĩ đến không thấy chạnh lòng riêng tây cho đặng, từ đó mà biết cách gìn giữ nếp nhà.

Cũng trên mảnh đất Hóa Châu xưa để lại, người con gái thành Gia Định đã theo cha là thượng thư bộ lễ về cung. Từ đó, Ngài trở thành mẫu nghi thiên hạ với đức cao vọng trọng, để lại từng nghi lễ trong nếp ăn nếp ở, trong hành xử nơi chính đường cũng như sự đoan hạnh rất mực ở chính cung. Ngài chính là Đức bà Từ Dũ, người mang vẻ đẹp Đức hạnh hảo tâm về tụ lại chốn kinh kỳ, thêm thành một nếp văn hóa đặc trưng cho người con gái cố đô. Người con gái khôn ngoan sắc sảo miền Nam khi về với mảnh đất đế đô đã nhu mì mà cương thường biết mấy, để giữ nết thuận tòng làm gương cho con cháu mai sau.

Cô gái Huế ngày trước cho tới bây giờ, luôn giữ được cung cách riêng. (Hình: Ngọc Diệp)

Đất trời thuận hòa cho cái dung nhan, gương tiền nhân để lại đức hạnh. Có phải vì vậy, cô gái Huế ngày trước cho tới bây giờ, luôn giữ được cung cách riêng. Đẹp mà không phô ra, dịu dàng mà không đưa đãi, thông minh giấu ngược vào trong. Để nên hình nên tính một bức chân dung hiền hòa mà sâu thẳm đến không cùng.

Thời gian nước chảy chân cầu. Người xưa qua đây, mây trắng bay đi nhưng cái đẹp ngàn năm còn ở lại. Người xưa đến Huế lừng chừng bước chân vì tiếng dạ thưa. Người nay đến Huế vẫn không thoát ra khỏi tà áo dài bay trên đường phố. Những buổi trưa nắng dịu, đi trên con đường Lê Lợi nhiều đốm hoa lao xao trong gió, lòng chợt từ bi như một đứa trẻ gặp lại mình thuở uyên nguyên trong bầu trời thơ dại.

Nhân mùa Xuân nhàn du, bắt chước người xưa, tôi cũng làm chuyến ngược nguồn dòng nước chảy, từ cửa bể Tư Dung lên nơi vọng tưởng chén ngọc sông sâu, cho mình được phép có giây phút chạnh lòng nhớ những người gái đẹp khắp miền đã đem tài sắc về đặt lại đời mình chốn đây, cho ngày sau sinh ra những hình bóng giai nhân muôn thuở.
_________
(*) Huyền thoại đó được ghi thư tịch sớm nhất vào năm Ất Hợi 1696 bởi hoà thượng Thạch Liêm tức Thích Đại Sán, một thiền sư Trung Hoa, trong sách Hải ngoại kỷ sự. Sách này đã được Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột dịch, Viện Đại học Huế xuất bản năm 1963. (dẫn theo vi.wikipedia.org).

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/nguoc-nguon-nhan-sac/#google_vignette

Leave a comment