Tiềm Thủy Đĩnh USS BLUEGILL, Hải Quân Hoa Kỳ viếng Sài Gòn, cập Cầu B Bến Bạch Đằng, ngày 1 tháng 4 năm 1962

Nguyễn Văn Quang
cựu SVSQ Hải Quân Nha Trang
Khóa 7 Đệ Nhất Thiên XứngLời nói đầu :  Hải Quân Đại Tá Nguyễn Viết Tân cựu Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải (CHT Sở PVZH), trong thời gian phục-vụ ở Hải Quân Công Xưởng (HQCX) Sài Gòn năm 1962 với cấp bực Hải Quân Trung Úy Trưởng Xưởng Điện Tử ; được chỉ định làm Sĩ Quan Liên Lạc đại diện Hải Quân Việt Nam, trên Tiềm Thủy Đĩnh Hải Quân Hoa Kỳ USS BLUEGILL SS-242 đang viếng thăm Sài Gòn.

https://i0.wp.com/www.navsource.org/archives/08/0824299.jpg

  Trong cương vị Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải, Đại Tá Tân đã nhiều lần sát cánh cùng chiến-hữu Lực Lượng Hải-Tuần, Biệt-Hải theo các Khinh-Tốc-Đĩnh PTF xông-pha Biển Bắc, mang lại nhiều thành-tích nhưng không được phổ-biến đề-cao. Một buối sáng, đoàn tàu trở về với nhiều vết đạn lỗ-chỗ trên đài chỉ-huy; tuy hoàn-thành nhiệm-vụ nhưng không khỏi thương-tích và hy-sinh, thật rất xúc-động !
  Lần cuối cùng tôi gặp Đại Tá Tân cựu CHT Sở PVZH, tháng 10 năm 1975, trong lúc đi lao động gần giếng nước Long Giao, giữa láng trại“cải-tạo” của các cấp Trung Tá, Đại Tá.
  Theo lời Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn May, cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng 5 Duyên Hải, năm 1976 đã cùng Đại Tá Tân ra “cải tạo” ngoài Bắc, và trở về Miền Nam cùng một đợt. Trong trại “cải tạo”, Đại Tá Tân đã bị liệt nửa người; về tới Sài Gòn tiếp tục chữa bệnh nhưng không qua khỏi, nên đã mất ngày 11 tháng 8 năm 1991 và hỏa táng sau đó. Buồn thay cho cuộc đời của một sĩ quan ưu tú !
   Hải Quân Đại Tá Nguyễn Viết Tân, Thủ-Khoa Khóa 5 Đệ Nhất Hải-Sư, luôn nêu cao tinh-thần bất-khuất, xem nhẹ sự trả thù hiểm-độc của bọn cai tù, mạnh-dạn đã-kích chính-sách và việc làm của chế-độ gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ; nên mỗi lần Đại Tá Tân viết những bài kiểm-điểm của Ông mà có lần cán-bộ cao cấp ở Hà Nội đến trại làm việc với Ông, phải buộc miệng bảo :” đảng và nhà nước sẽ để Anh bỏ xương tại đây”.
    Nay viết lại chuyến viếng thăm của Tiềm Thủy Đĩnh Hoa Kỳ năm 1962 tại Sài Gòn, chuyện cũ 53 năm qua, mà thời gian phục-vụ ở HQCX Sài Gòn, tôi được nghe Hải Quân Trung Úy Nguyễn Viết Tân, Sĩ Quan Liên Lạc thuật lại ; kính xin thắp nén hương tưởng-niệm Anh-linh Người đã khuất.
   Tiềm Thủy Đĩnh Hải Quân Hoa Kỳ đã đến cập cầu B bến Bạch Đằng Sài Gòn, như chứng-tích cho một giai-đoạn lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, mà quan-điểm của vị Đại Sứ Hoa Kỳ đương-thời cũng như của Hải Quân Đại Tá Hoa Kỳ, Cố Vấn Trưởng / Bộ Tư Lệnh Hải Quân, đều ủng-hộ cho kế hoạch phát-triển Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.
    Trang LƯU NIỆM KHÓA 7 mang hình ảnh của cả Khóa, do đó như thường lệ tôi kính chuyển bản thảo cho Quý Bạn đồng Khóa cũng là Niên Trưởng để xin hiệu-đính và nhuận-sắc: Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn Thiện cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Duyên Hải ; Hải Quân Đại Tá Trần Văn Triết cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ 1 ; Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Hoa cựu Tham Mưu Trưởng Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ ; và Hải Quân Trung Tá Cơ Khí Tô Văn Hai cựu Trưởng Ty Tiếp Liệu Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn;mà những năm đầu thập niên 1960 hiện diện cùng thời với Hải Quân Trung Úy Nguyễn Viết Tân, Trưởng Xưởng Điện Tử, đảm-nhận Sĩ Quan Liên Lạc trên Tiềm Thủy Đĩnh USS Bluegill đến viếng Sài Gòn.
   Nhân đây, chúng tôi kính xin cảm tạ Hải Quân Đại Tá Nguyễn Văn May, cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng V Duyên Hải, qua điện-thoại thuật lại những ngày ở Miền Bắc mà cả hai vị đã phải chịu đựng; để hôm nay trên bài hồi-ký, vinh-danh Hải Quân Đại Tá Nguyễn Viết Tân–vị Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải quả-cảm, nay đã vĩnh-viễn ra đi.
Kính đa tạ.
N.V. Quang
Cuối năm 1960, và nhất là vào những năm 1961, 1962, sau khi quyền chỉ huy Hải Quân Công Xưởng (HQCX) từ một vị Kỹ Sư dân-sự đồng-hóa được trao lại cho Quân chủng Hải Quân,
vị Sĩ Quan thâm niên, Hải Quân Trung Tá Lâm Ngươn Tánh, đảm nhiệm chức vụ Giám Đốc HQCX (về sau Đề-Đốc Tư Lệnh Hải Quân). Hệ thống tổ-chức được kiện-toàn và phát-triển để đáp ứng nhu-cầu chiến-trường ; rất nhiều Sĩ Quan thâm niên được thuyên chuyển về Hải Quân Công Xưởng, đảm nhiệm Trưởng Ty, Trưởng Xưởng.
https://i0.wp.com/www.ussbluegill.com/images/saigon1.jpg
Riêng trong phạm vi an ninh, canh phòng, Sĩ Quan Trực mỗi ngày do ba Sĩ Quan phụ-trách.
Một hôm, sau khi còi hụ 12 giờ trưa tại Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn, công nhân, nhân viên nghỉ ăn trưa, hay ra về. Toán an ninh bên ngoài Hải Quân Công Xưởng báo cáo cho Sĩ Quan Trực biết, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa viếng thăm tàu lặn Hoa Kỳ ở cầu B.
Sau đó tôi được nghe Trung Úy Tân, Trưởng Xưởng Điện-Tử, đảm nhiệm Sĩ Quan Liên Lạc trên Tiềm Thủy Đĩnh USS BLUEGILL SS-242, kể lại chuyện chiến hạm Hải Quân Hoa Kỳ viếng thăm Sài Gòn.
Tháng 4 năm 1962, không khí chính trị ở Sài Gòn mang hình ảnh của cuộc đảo chánh bất thành 11 tháng 11 năm 1960 ; thêm vào đó là vụ hai khu-trục-cơ A-1 Skyraider thuộc Không Quân, ném bom Dinh Độc Lập, phá hỏng cánh phải (ngoài nhìn vào), sáng 27 tháng 2 – 1962. Vào lúc đó, còi HQCX mới vừa hụ, cửa cổng chánh được mở để cho công nhân vào làm việc.
Ném bom xong đợt đầu xong, phi cơ đã bay lên theo hướng Tây-Nam, bay vòng ra hướng Đông, trở lại hướng Bắc theo sông Sài Gòn ; vô tình ngay tầm đạn của hệ-thống phòng-không trên tất cả chiến hạm Hải Quân cập cầu ở Bến Bạch Đằng từ cầu A, cầu Tư Lệnh, rồi cầu B , C ; do đó chiến hạm đều đã kéo cờ đỏ, và đồng-loạt khai hỏa ; đạn đại bác 40 ly, 20 ly nổ rền trên bầu trời. Phi cơ đầu tiên bị trúng đạn phòng không, phi-công nhảy dù, phi-cơ rơi xuống sông gần cầu xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Phi cơ thứ nhì đã bay thoát.
Đến trưa ngày 27 tháng 2, thì cần-cẩu-nổi của Hải Quân Công Xưởng đã vớt xong khu-trụ-cơ A-1 bị chìm xuống sông, gầu cầu xa-lộ ; và đưa về cầu E trong vòng thành HQCX. (Một chi-tiết nhỏ : có tin đồn cho là súng đại liên 12 ly 7 của Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng-Thống đã bắn hạ khu-trụ-cơ A-1. Chiều 27-02-1962, phái đoàn kỹ-thuật của Không Quân đã đến HQCX, quan sát vết đạn trên thân phi-cơ được đặt trên bệ của cần-cẩu-nổi ; và đã xác nhận vết đạn là do đại-bác 20 ly Oerlikon trang bị trên chiến hạm HQ VN).
Dù các diễn-biến nêu trên gây ảnh-hưởng đến an-ninh của thủ-đô Sài-Gòn, các Đơn vị Quân đội phải áp-dụng nhiều đợt cấm trại 100 % ; nhưng Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn kể cả Cố Vấn Trưởng Hải Quân tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam (HQ VN) vẫn tiếp tục tiến-hành đường lối viện-trợ quân-sự cho công cuộc phát-triển Quân chủng Hải Quân.
Điều thực-tế cho thấy là đưa Tiềm Thủy Đĩnh USS Bluegill SS-242 , thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ thăm viếng thiện chí Sài Gòn ; nói lên chính-sách ủng-hộ cuộc chiến đấu chống Cộng Sản xâm-lược tại Việt Nam ; mà từ thời Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight D. Eisenhower đã cam-kết qua thư gởi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ngày 23 tháng 10-1954 :” …viên-trợ giúp cho chính quyền Việt-Nam xây dựng đất nước vững-mạnh có khả-năng chống đở sự lật-đổ hay xâm-lược bằng quân-sự”.(1)
Đầu giờ chiều Chủ nhật mồng 1 tháng 4-1962 trời nắng. Tại bến Bạch Đằng Sài Gòn, khi thủy-triều đang dâng, theo lịch thủy-triều nước đứng vào lúc 14 giờ 04 phút, mực nước 3, 3
mét ; Tiềm Thuỷ Đĩnh USS Bluegill  SS-242 từ cửa biển Vũng Tàu đã vào Sông Sài Gòn,
đang tiến qua kỳ đài Bộ Tư Lệnh Hải Quân được toán danh dự dàn chào cùng ban Quân nhạc
Nghi thức khi chiến hạm về bến hay rời bến, theo truyền thống Hải Quân, trên Tiềm Thủy Đĩnh, Sĩ Quan và nhân viên đứng sắp hàng dàn chào trên boong tàu, quân phục trắng ; Hạm Trưởng ở Đài Chỉ huy lộ thiên.Vì chiến hạm vừa tham gia công tác đặc-nhiệm nên trên thân tàu lặn không vẽ số 242 màu trắng, ở tả và hữu-hạm, tại mủi tàu và đài-chỉ-huy, như thường thấy trên hầu hết tàu lặn của Hải Quân Hoa Kỳ. (3)
Sau khi chiến hạm đi qua khỏi Ụ lớn HQCX, thì quay mủi tàu về hướng hạ dòng, từ từ tiến về cầu B, bến Bạch Đằng. Cầu tàu này dài và rộng thường dành cho các Tuần Dương Hạm loại lớn của Hải Quân Hoa Kỳ vào cập bến, kể từ lễ Quốc Khánh 26-10-1956, ngày tuyên bố Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa.
Thông thường chiều Thứ Bảy hay Chủ Nhật, công viên bến Bạch Đằng chạy dài từ cầu tàu”Cửu Long”, cầu A, ngang qua Kỳ Đài, cầu”Tư Lệnh”,cầu B, cầu C , cho đến bờ vách Hải Quân Công Xưởng ; có đông người đến ngồi hóng mát hay đi dạo, dưới hàng dừa cao trồng cạnh bờ đá xây sát mép sông. Khi nghe tin Tiềm Thủy Đĩnh của Mỹ đến viếng Sài Gòn chiều Chủ Nhật, dân chúng hiếu-kỳ đã tụ tập đông đảo để xem tàu lặn, ước chừng 2500 người, trên công viên này.
Lúc Tiềm Thủy Đĩnh SS-242 vào cập cầu B, mực nước sông dâng đầy ; hiện diện trên boong tàu lặn, Hải Quân Đại Tá Joseph B. Drachnik, HQ Hoa Kỳ, Cố Vấn Trưởng Hải Quân Việt Nam, và HQ Trung Tá Everett A. Parke, Tùy Viên Hải Quân / Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn. Đại Tá Drachnik bắt tay HQ Trung Tá James H. Barry, Hạm Trưởng Tiềm Thủy Đĩnh USS Bluegill. (4) Hình 3 & 4.
Hải Quân Đại Tá Joseph B. Drachnik đảm nhiệm chức vụ Cố Vấn Trưởng Bộ Tư Lệnh HQ VN từ ngày 4 tháng 12 năm 1961. (5)
Trong 3 ngày từ mồng 1, 2 và 3 tháng 4, trên tàu lặn đã đón tiếp nhiều yếu-nhân của Tòa Đại Sứ Mỹ cũng như nhiều chính-khách thuộc chính quyền Việt Nam. Trưa ngày 4 tháng 4-1962,  chiến hạm được vinh-dự đón tiếp Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đến viếng chiến hạm cùng Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Frederick E. Nolting.
Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã bày tỏ lời chào mừng của người dân Việt Nam đến các Sĩ Quan và Thủy-thủ-đoàn của Tiềm Thủy Đĩnh Bluegill.(Bluegill was honored by an official visit from President Ngo Dinh Diem, who extended the greetings of the Vietnamese people to the officers and crew of Bluegill. President Diem awarded submarine Dolphins to eight newly qualified personnel of Bluegill).  (6 & 7)  Hình ghép  5.
Và Đại Sứ Hoa Kỳ cũng như Hạm Trưởng đại diện Hải Quân Hoa Kỳ dành danh-dự cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa để trao huy-hiệu Dolphins cho tám nhân viên chiến hạm ; vừa nhận Chứng-chỉ đủ khả-năng phục-vụ trên Tiềm Thủy Đĩnh (huy hiệu hai cá Dolphins ở hai bên thân tàu lặn ; màu kim-dụ dành cho Sĩ Quan và ngân-dụ dành Thủy-thủ-đoàn).
Sau nghi lễ tiếp đón Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và Đại Sứ Hoa Kỳ viếng chiến hạm , cũng chính là lúc kết-thúc chuyến viếng thăm Sài Gòn của Tiềm Thủy Đĩnh Hoa Kỳ ; chiến hạm chuẩn bị gở dây rời cầu tàu. Nhân viên thuộc Ty Quân Cảng Hải Quân túc-trực sẵn sàng tại các trụ buộc dây trên cầu  tàu ; để tháo các dây buộc tàu, mủi, lái và thân tàu, theo yêu-cầu của chiến hạm.  Ty Quân Cảng thường phái thêm Quân vận đĩnh LCM – Ủi và tàu kéo ; hổ trợ cho việc vận chuyển chiến hạm tách bến.
Từ trưa đến đầu giờ chiều mùng 4 tháng 4, mực nước sông Sài Gòn ở Bến Bạch Đằng đang lớn ; khi mủi chiến hạm được quay ra sông, dòng nước đang dâng lên có tác-dụng giúp chiến hạm vận-chuyển nhanh chóng ra giữa lòng sông ; tiến ra cột cờ Thủ-Ngữ và Thương Cảng Sài Gòn
Theo lời Sĩ Quan Liên Lạc (SQ LL) thuật lại, chiến hạm  rời cầu B, trực chỉ Vũng Tàu ; SQ LL hiện-diện trên Tiềm Thủy Đĩnh. Lịch thủy triều sông Sài Gòn (xin xem Hình 1), ngày 4 tháng 4-1962, nước đứng ở mức cao  3,4 mét lúc  15 giờ 52.
Chiến hạm SS-242 chạy trên sông Sài Gòn cho đến quá Kho 5 của Thương Cảng ; và từ đó chiến hạm bắt đầu lặn xuống, không còn giang hành trên mặt sông. Ra đến Vũng Tàu, USS Bluegill nổi lên, Tiểu đĩnh Hải Quân Việt Nam đã túc trực ở điểm hẹn, đón  HQ Trung Úy Nguyễn Viết Tân, SQ LL, đưa vào bờ. (8)
Trong quá trình tăng cường tiềm lực của Quân Chủng Hải Quân, từ những năm 1960, 1961 trở đi, Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân đã phối hợp với Cố Vấn Trưởng Hải Quân để gia-tăng số lượng chiến hạm cho Bộ Chỉ Huy  Hải Lực ; đồng thời củng-cố hệ-thống tiếp-vận, nhất là nâng cao khả năng sửa chữa của Hải Quân Công Xưởng Sài Gòn.
Rất nhiều chiến hạm thuộc Hải Quân Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam: trước hết là 3 Trục Lôi Hạm loại MSC (TLH hoàn toàn đóng mới) Hàm Tử II  HQ 114, Chương Dương II  HQ 115 ; Bạch Đằng II  HQ 116 tại Hải Quân Công Xưởng Mare Island, California ; vào Quý 3 và 4 năm 1959. (9).
Sau đợt bàn giao 3 Trục Lôi Hạm cho HQ VN, tiếp theo là Hộ Tống Hạm Vân- Đồn PC  HQ 06  nhận lãnh ngày 23/11/1960 tại Seattle, Tiểu-Bang Washington. Từ năm 1961 trở đi, rất nhiều chiến hạm nhận lãnh tại  Hoa Kỳ : Hộ Tống Hạm (HTH) Đống-Đa II PCE  HQ 07, Hải Vận Hạm Hương-Giang LSM  HQ 404.   Năm  1962 : HTH  Chi-Lăng II PCE HQ 08 ,  HTH Kỳ-Hòa PCE  HQ 09, Hải Vận Hạm Tiền-Giang LSM HQ 405 ; và Dương Vận Hạm Cam-Ranh LST HQ 500, Dương Vận Hạm Đà Nẵng LST HQ 501 … (10)
Chính trên sự liên-hệ chặt-chẽ giữa Hải Quân Hoa Kỳ và HQ Việt Nam, và trên quan-điểm  chiến lược của Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, dưới quyền Chỉ Huy của Đô-Đốc Harry D. Felt (CINCPAC) ; nên Phó Đô-Đốc  William A. Schoeh, Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, đã phái Tiềm Thủy Đỉnh USS Bluegill đến  Sài Gòn ; biểu-dương sự cương-quyết của Hoa Kỳ hổ-trợ cho Việt Nam trong chiến tranh  chống lại  sự xâm-nhập từ Miền Bắc.
Trước đó, Tiềm Thủy Đĩnh  SS-242 đã được sửa chữa Đại-kỳ tại Hải Quân Công Xưởng Pearl Harbor, Hạ-Uy-Di  từ ngày 1 tháng 5-1961 cho đến 15 tháng 9-1961 ; và sau thời gian huấn luyện,  kể từ 18 tháng 11-1961 tăng-phái cho Miền Tây Thái Bình Dương.
Theo tài liệu của Hải Sử – Lược Sử Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, trang 96 (sách đã dẫn, chú thích 10), các Tiềm Thủy Đĩnh USS Bluegill và USS Bluefish  đã thực-tập chống-tàu-ngầm (Anti-submarine Warfare, ASW) với các Hộ Tống Hạm Hải Quân Việt Nam: Chi Lăng HQ-01, Tụy Động HQ-04, và Tây Kết HQ-05 ngoài khơi vịnh Cam Ranh. (11)
Và Đệ Thất Hạm Đội cũng đã phái Tiềm Thủy Đĩnh USS Capitaine  AGSS-336 đến Việt Nam để tiếp tục thực-tập chống-tàu-ngầm, trong thời gian từ ngày 7 đến 14 tháng 4-1963, cùng các Hộ Tống Hạm  PC  và PCE.  Hải đội Hải Quân Việt Nam do Hải Quân Thiếu Tá Đinh Mạnh Hùng chỉ huy. (12).
Quyết định của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đưa Tiềm Thủy Đĩnh đến viếng Sài gòn, đạt thành quả rất lớn, đem lại tiếng vang là Quân Lực Hoa Kỳ hổ-trợ cho Việt Nam Cộng Hòa tiến hành cuộc chiến chống xâm-nhập từ Miền Bắc để phá hoại công cuộc xây dựng đất nước, dưới chính-thể Cộng Hòa tại Miền Nam.
Tại Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ Thái Bình Dương ở Hạ-Uy-Di, Đô-Đốc Felt rất hài lòng về chuyến viếng thăm Việt Nam của Tiềm Thủy Đĩnh USS Bluegill (13)
Cũng trong thời gian này, Hải Quân Đại Tá Hồ Tấn Quyến, Tư Lệnh Hải Quân đã thảo luận với HQ Trung Tá Everett A. Parke, Tùy Viên Hải Quân, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, đề-nghị đưa Tuần Dương Hạm hay Khu Trục Hạm trang-bị hỏa-tiển đến thăm viếng Việt Nam nhân ngày Quốc Khánh tổ chức hằng năm.
Trung Tá Tùy Viên Hải Quân cũng nhận thấy  Tuần Dương Hạm đến Sài Gòn gây được nhiều ảnh hưởng  tâm-lý đối với dân chúng ; nhưng về  kỹ thuật vận-hành trên sông Sài Gòn, lòng sông hẹp, việc vận chuyển quay mủi chiến hạm hướng về hạ-dòng tương-đối bị hạn-chế.
Do đó, vào dịp lễ Quốc Khánh 26-10-1962, Bộ Tư Lệnh Đệ Thất Hạm Đội (CINCPACFLT) đã điều-động Khu Trục Hạm trang-bị hỏa-tiển USS MAHAN   DLG 11, đến Sài Gòn từ ngày 25 đến 28-10-1962. Đây là loại chiến hạm rất tối-tân về mặt vũ-khí hỏa-tiển  Hải-đối-Không. Chiến hạm được hạ thủy tháng 10-1959, tại Hải Quân Công Xưởng San Francisco Naval Shipyard ;  hoạt động từ 25-08-1960 ; tên chiến hạm trích từ Lịch Sử Hải Quân Hoa Kỳ Đề-Đốc Alfred Thayer Mahan. (14)
Chiến hạm đã cập  cầu B bến Bạch Đằng ngày 25 tháng 10. Nhân dịp Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cùng Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Frederick E. Nolting đã thăm viếng chiến hạm. Hải Quân Trung Tá Ivar A. Johnson Hạm Trưởng USS Mahan đã đón tiếp Tổng Thống và Đại Sứ Hoa Kỳ. (15)  Hình 6.
Một lần nữa chứng minh cho lập-trường của Bộ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ / Thái Bình Dương duy-trì hậu-thuẩn cho Việt Nam Cộng Hòa.
Tưởng cần nhắc lại Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Frederick E. Nolting đã được Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy bổ-nhiệm vào tháng 5 năm 1961, mà trước đó từ 1955 đã tham gia Phái đoàn Hoa Kỳ tại Bộ Chỉ Huy Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Trưởng Phái đoàn này từ năm 1957 đến 1961. Phong-cách lịch-sự, uyên-bác của vị Đại Sứ, nhất là nhà ngoại giao am-tường tiếng Pháp, nên đã thu-phục tín-nhiệm của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa và đã yểm-trợ hữu-hiệu đường lối phát triển kính tế, kỹ nghệ, giáo dục, nông nghiệp, y tế xã hội cho Việt Nam Cộng Hòa. (16)
Trong nhiệm kỳ Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương (QLHK TBD – CINCPAC) từ 1958 đến 1964, bản doanh ở Hạ Uy Di, Đô-Đốc Harry D. Felt đã ủng-hộ chiến lược chống chiến-tranh du-kích (counterinsurgency) của Tổng Thống Kennedy, tại Lào và Việt Nam.
Nên đã chủ động trong Kế Hoạch sử dụng Lực Lượng Đặc Biệt Lục Quân (Army Green Berets), Người Nhái Hải Quân (Navy SEALs) và Lực Lượng Đặc Biệt Không Quân (Air Force Air Commandoes).  Và đã  chủ tọa các hội nghị thuộc kế hoạch xâm-nhập đánh phá duyên hải Bắc Việt Nam.
Đầu 1961, tân Tổng Thống thứ 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy nhậm-chức, thời kỳ chiến tranh lạnh, dù Việt Nam Cộng Hòa mới được độc-lập 7 năm ở Đông Nam Á, nhưng cũng đã được Tòa Bạch Ốc chú ý về sự phát-triển trong vị-thế địa-chính-trị của Việt Nam.
Ở phương Bắc, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, với chủ-nghĩa Cộng Sản luôn có tham-vọng dành quyền bá-chủ cả Đông Nam Á ; như năm 1950 đã đưa quân vượt sông Áp Lục tiến xuống Bắc Triều Tiên và chiếm cả Nam Triều Tiên. (Chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm: 1950 – 1953).
Vì vậy, Tổng Thống Kennedy đã chấp thuận kế-hoạch tình-báo do CIA chủ-động tổ-chức và trang bị tại Việt Nam Cộng Hòa để xâm-nhập Miền Bắc vừa để phá-hoại, thâu-thập tin-tức … Ngày 11 tháng 5-1961, Tổng Thống Kennedy đã ký  Văn-thư NASM 52 (National Action Security Memorandum) ; cho phép các hoạt-động ngụy-trang chống Bắc Việt, để tránh cho chính quyền Sài Gòn  khỏi rơi vào tay Cộng sản (to prevent the fall of the Saigon government to the communists). (17 & 18).
Vào tháng 10-1961, Tổng Thống Hoa Kỳ đã cử Đại Tướng Maxwell D. Taylor, Cố Vấn Quân Sự, đi Việt Nam để quan-sát tình hình chính-trị, quân-sự tại thực-địa. Và theo tường-trình sau khi trở về, chính quyền Kennedy 1) đáp-ứng bằng cách tăng viện-trợ và số cố vấn quân-sự cho Việt Nam ; 2) chấp thuận các biện pháp ngụy-trang chống-du-kích; 3) tăng cường lực-lượng Hoa Kỳ bảo-vệ  Đông Nam Á.
Ngày 1 tháng 10 – 1962, từ Cố Vấn Quân Sự cho Tổng Thống Kennedy, Đại Tướng Maxwell D. Taylor đã được Tổng Thống bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ (Chairman of the Joint Chiefs of Staff – JCS).
Trong thời gian từ 1959 trở về sau này, thời kỳ ban đầu về hoạt-động tình-báo xâm-nhập, đánh phá, thu-thập tin-tức ở Miền Bắc đều do cơ-quan CIA điều hành, cộng tác với các cơ-sở của Việt Nam Cộng Hòa.
Theo nhận-định của Đô-Đốc  Harry D. Felt, Tư Lệnh QLHK TBD (CINCPAC) ; việc quản-trị, tổ-chức, điều-hành cả một hệ-thống quá quy-mô ; sử dụng các phương-tiện từ phi-cơ, chiến-hạm, cho đến thuyền buồm lớn cánh nâu đòi hỏi việc yểm-trợ phối-hợp bao gồm nhiều chuyên ngành khác nhau ; nên hoạt-động tình-báo ngụy-trang này cần được CIA chuyển-giao cho Bộ Tư Lệnh Quân Sự Hoa Kỳ ở Viêt Nam, theo hệ-thống dọc dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ – Thái Bình Dương, bản doanh ở Hawaii.
Trên quan-điểm ấy, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ (JCS), Đại Tướng Maxwell D. Taylor đã ủy-thác cho Đô Đốc Harry Felt soạn thảo kế hoạch tổng-thể để thực hiện việc xâm nhập, thám-sát, thâu-thập tin tức, gây cơ-sở nổi dậy (to form networks of resistance), đánh phá cầu cảng quân sự, phá-hoại giao thông tại Miền Bắc dưới hình-thức hoạt-động ngụy- trang.
Sau khi hoàn-thành kế-hoạch hoạt-động tình-báo quy-mô này, dưới nhiều hình thức khác nhau, được gọi là :  CINCPAC Operations Plan 34-63 hay OPLAN 34-63 ; được đệ-trình cho Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân (JCS) ngày 17  tháng 6-1963 ; và JCS đã  phê-duyệt ngày 14 tháng 8-1963. (19)
Chỉ huy, điều động và phối hợp Kế Hoạch 34-63 do Bộ Tư Lệnh MACV và CIA ở Sài Gòn thực hiện. Ngày 15 tháng 12-1963, MACV và CIA đã triền-khai kế hoạch vừa nêu, và tăng cường hoạt-động cho phù-hợp nên đã đệ trình JCS , với OPLAN 34A-64.   Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara đánh giá cao về Kế hoạch  OPLAN  34A-64 này và đã trình Tổng Thống Lyndon B. Johnson ngày 21 tháng 12-1963, được Tổng Thống chính thức chỉ thị thi-hành Kế Hoạch 34A ngày 16 tháng 1-1964. (On 16 January 1964 President Lyndon Johnson approved the start of  34A ).  (20)
Xin phép nhắc lại sau khi Bộ Tư Lệnh MACV được thành lập ngày 8 tháng 2 năm 1962 ở Sài Gòn, và Kế Hoạch 34A được Tổng Thống Johnson duyệt ngày 16/1/1964, ban chỉ-thị thi hành; MACV đã thành lập cơ quan SOG vào ngày 24/1/1964 (Study and Observation Group) để tổ-chức, điều động việc thi-hành chiến-tranh ngoại-lệ dùng cả phi-cơ, chiến hạm, ghe thuyền trong các hoạt-động ngụy trang xâm nhập, đánh phá miền Bắc và duyên hải trên vĩ-tuyến 17.
Những nhân viên do tình báo CIA huấn luyện trong những năm về trước, để hoạt động trên bộ, dưới nước được gọi chung là “Toán nhân-viên dân-sự bảo-vệ” (Civilian Irregular Defense Group) cùng tất cả các cơ sở, quân-dụng đều được trao lại cho MACV quản-lý tổ chức và điều-động ; theo một tiến-trình mang tên  kế-hoạch  “Switchback”  từ tháng 11-1963. (21)
Cơ sở SOG ( Study and Observation Group), thuộc Bộ Tư Lệnh MACV được thành lập ngày 24  tháng 1-1964,  8 ngày sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ ban hành Kế Hoạch 34A.
Kế Hoạch 34A bao gồm cả việc điều-động Tiềm Thủy Đỉnh thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ, vào Vịnh Bắc Việt trong nhiều lãnh-vực riêng biệt : thuần túy theo dõi chiến hạm đối-phương, quan sát hoạt động của các Khinh Tốc Đĩnh Swatow, hoạt-động của các Căn cứ quân sự ở cửa sông, biển dọc theo duyên-hải … cũng như sử-dụng các Khinh Tốc Đĩnh PTF mua từ Na-Uy (Norway) thuộc MACV/SOG ở Việt Nam, trang bị Thủy-Thủ-Đoàn huấn luyện ở Miền Nam, hoạt-động ở vùng biển phía Bắc Vỹ-Tuyến 17.
   Cũng bởi lý do nêu trên nên khi Tiềm Thủy Đĩnh USS BLUEGILL  SS-242, viếng Sài Gòn chiều 1 tháng 4-1962, trên thân tàu lặn không thấy số “ 242” ; thông thường số tàu được sơn màu trắng trên cả tả-hạm và hữu-hạm. Chứng tỏ thời gian trước đó,  SS-242 đã tham gia công-tác đặc-nhiệm trước khi đến Sài Gòn.
   Phù hợp với  tài liệu nêu ở  trang 176 , sách ”Vietnam : Naval and Riverine Weapons” , đã ghi rõ  các nhiệm-kỳ của Tiềm Thủy Đĩnh  SS-242  phục-vụ ở Việt Nam : từ tháng 3 đến tháng 4-1962 ;  tháng 2 đến tháng 3-1965 ;  tháng 5 đến tháng 6-1965. (22).
 Cũng theo sách đã dẫn, từ năm 1962, Tiềm Thủy Đĩnh  USS CATFISH  SS-339 thuộc Đệ Thất Hạm Đội đã tham gia hoạt động tình báo ở Vịnh Bắc Việt, vào những nhiệm kỳ như sau:
tháng 5-1962 ;  tháng 7 đến tháng 10-1965 ; tháng 9 đến tháng 10-1968. (Sách đã dẫn[22], trang 190).
   USS Catfish đã rời Manila ra khơi thực-hiện kế hoạch bí-mật mang tên “Cọp tinh khôn” (Wise Tiger) thâm-nhập Vịnh Bắc Việt. Ngày 16 tháng 5-1962 đã đến cửa Sông Gianh, 40 cây số Bắc Đồng Hới,  thám-sát căn cứ Hải Quân Cộng sản Bắc Việt ở Quảng Khê, gần cửa sông.  Từ hải-phận quốc tế, SS-339 đã theo dõi các Khinh Tốc Đĩnh SWATOW hiện diện tại căn cứ Quảng Khê. Đây là loại tàu do Trung Cộng viện-trợ, dài 25 mét (83 feet), tốc-độ 28 hải-lý/giờ, trang bị đại bác 34 ly, đại liên 14,5 ly, thủy lựu đạn. (23)
  Thời điểm ấy, tiềm-vọng-kính của SS-339  thấy cả  3 Khinh Tốc Đĩnh Swatow đều có mặt ở cầu tàu căn cứ Quảng Khê ; tin tức này đã được khẩn báo về Manila ; làm đề tài cho đơn-vị hoạt-động bí-mật tại Miền Nam, lập kế-hoạch phối-hợp hành-quân đánh phá.
  Song song với Kế hoạch  34A,  Hải Quân Hoa Kỳ cũng đã tăng-cường  khả-năng tác chiến của Tiềm Thủy Đĩnh thuộc Đệ Thất Hạm Đội, bằng các công-trình cải-biến nhiều mẫu tàu lặn để thích-nghi với  chiến-tranh Việt Nam, kéo dài trong suốt gần một thập-niên,  từ khi xảy ra vụ Vịnh Bắc Bộ ngày 2 tháng 8-1964, rồi 8 tháng 3-1965 quân Mỹ đổ vào bải biển Đà Nẵng cho đến khi ký Hiệp Định PARIS  27 tháng 1-1973.
Cụ thể là Tiềm Thủy Đĩnh  USS Grayback  SSG-574, nguyên là Tiềm Thủy Đĩnh phóng hỏa- tiển Regulus ; năm 1968 đã được cải biến ở Hải Quân Công Xưởng Mare Island Naval Shipyard, California ,   để trở thành Tiềm Thủy Đĩnh vận tải, mang ký-hiệu  LPSS-574.
Công tác sửa chữa bao gồm việc tháo gở hệ thống hỏa-tiển cùng bệ phóng ở gần mủi tàu, và bỏ bớt 4 thủy-lôi, để có khả năng chuyên chở thêm 7 Sĩ Quan và 60 quân nhân, với quân-dụng thiết-yếu, xuồng đổ-bộ và bè-di-chuyển tự-hành bình-điện quay chân vịt (SEAL Swimmer Delivery Vehicle).  Tháng 6-1972, tàu lặn này đã tham gia chiến-dịch giải-cứu tù-binh Mỹ ở cửa sông Hồng.
Cũng có nhiều Tiềm Thủy Đĩnh cải-biến từ loại tấn-công có ký-hiệu SS sang loại vận-chuyển APSS (Transport Submarine), nên tàu lặn PERCH có ký hiệu mới APSS-313, tàu lặn SEALION, APSS-315.
   Quyết-định cải-biến cấu-trúc này nhằm mục-đích phục vụ cho nhu-cầu hành-quân lưỡng-thể, phối-hợp giữa các đơn vị Hải Quân Hoa Kỳ Hoạt-động trên bờ và trên sông, rạch , và các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ cùng TQLC Việt Nam ; để đánh-phá hậu cần, kho đạn dược, lương thực  của địch dọc theo duyên hải thuộc các Quân Khu ; nhất là tại Quân Khu IV sông ngòi chằng-chịt và Rừng Sát Quân Khu III.  Từ tháng 8 và tháng 11-1965, hành quân “Nhát dao găm” (Dagger Thrust) ; tháng 1-1966, hành quân “Hai đại bàng” (Double Eagle)…(24)
*
Trong khuôn-khổ của bài viết, với nội dung thuật lại chuyến viếng thăm Sài Gòn ngày 1 tháng 4-1962 của Tiềm-Thủy-Đĩnh Hải Quân Hoa Kỳ  USS Bluegill  SS-242 ; nên đã đề-cập đến SS-242 thực-tập chống-tàu-ngầm với ba Hộ Tống Hạm Hải Quân Việt Nam ngoài khơi vịnh Cam Ranh ; đầu thập niên 1960.
Những năm đó, từ 1960 đến 1963, đất nước ở vào thời-kỳ, tình-hình   chính-trị khó khăn, cuộc chiến ngày càng lan rộng, quan điểm của chính phủ Mỹ bị nhiều thế-lực thuộc chính-giới Hoa Kỳ tác-động nên báo chí đưa ra nhiều nguồn tin từ tăng thêm cố vấn, tăng viện trợ quân sự hay đổ-bộ quân Mỹ vào Việt Nam để chiến-đấu.
Trong trách-nhiệm và quyền-hạn của vị Đô-Đốc chỉ huy Quân Lực Hoa Kỳ Thái Bình Dương (CINCPAC), Đô-Đốc Harry D. Felt đã trình bày :  “ Trong hội nghị với Tướng Maxwell D. Taylor, đại diện cho Tổng Thống John F. Kennedy về mặt quân-sự, Đô-Đốc Felt cho rằng đưa quân Mỹ vào Đông-Dương, làm cho cả Á-Châu cảm thấy đó là hình-thức đưa chính-sách thuộc-địa của người da trắng trở lại Việt Nam,  sẽ làm tăng thêm sự chống đối của Cộng Sản”.
Đô-Đốc cũng tiên-liệu là chính-sách của“Viet Cong” (nguyên văn) tìm cách kéo dài “chiến-tranh tiêu hao” (attritional warfare) không thể bị đánh bại bằng phương-tiện thuần túy quân-sự; và chủ-trương tổ-chức, huấn-luyện, trang bị cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhưng giữ cho quân Mỹ ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. (25)
Đô Đốc Harry D. Felt đã bàn giao chức vụ Tư Lệnh  QLHK TBD cho Đô Đốc Ulysses S.Grant Sharp vào tháng 6 năm 1964.
Viết lại chuyện Tiềm Thủy Đĩnh USS Bluegill viếng thăm Sài Gòn đã 53 năm qua, không khỏi nhớ lại hình ảnh cũ của Quân Chủng Hải Quân.  Trong thời-kỳ chính-trị tuy giao-động đầu thập niên ’60 ; nhưng vẫn có những vị như Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Đô-Đốc Tư Lệnh Quân Lực Hoa Kỳ Thái Bình Dương đều có quan-điểm và viễn-kiến sâu rộng về cuộc chiến Việt Nam chống Cộng Sản, đã hổ-trợ cho nền Đệ Nhất Cộng Hòa ; và Hải Quân Đại Tá Cố Vấn Trưởng Hải Quân đã đóng góp tích-cực cho sự phát-triển của Hải Quân.
Nhưng theo vận nước, cuộc chiến đã kinh qua giai-đoạn bi-thảm cho dân, quân Miền Nam,
 “ những ngày tháng tối tăm, u buồn, uất ức …” (26) ■
Nguyễn Văn Quang
cựu SVSQ Hải Quân Nha Trang
Khóa 7 Đệ Nhất Thiên Xứng
CHÚ THÍCH :
1)      http://legacy.fordham.edu/halsall/mod/1954-eisenhower-vietnam1.html
Reprinted from The Department of State Bulletin (November 15, 1954), pp. 735-736.
Trích nguyên văn thư của Tổng Thống Dwight D. Eisenhower đề ngày 23 tháng 10 năm 1954 gởi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm :
“The purpose of this offer is to assist the Government of Viet-Nam in developing and maintaining a strong, viable state, capable of resisting attempted subversion or aggression through military means”.

2)      Service Hydrographique et Océanographique de la Marine (SHOM) . Annuaire des Marées pour l’An 1962. Tome II. Ports d’Outre-Mer. Saigon Avril 1962.
« © SHOM – 2015 – LOGO – reproduction interdite »

 3)     USS Bluegill (SS-242) approaches downstream … – YouTube
▶ 1:14
www.youtube.com/watch?v=3VBFW2m96VI
4)  USS Bluegill (SS-242) tied up to pier at Saigon. HD Stock … ▶ 1:12
www.youtube.com/watch?v=TjXyn6zsOTA

5)      http://archive1.jfklibrary.org/JFKOH/Drachnik,%20Joseph%20B/JFKOH-JBD-01/JFKOH-JBD-01-TR.pdf

6)      https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/103736/in/photostream/

 7)      http://www.ussbluegill.com/history.html

….January 1962 found the Bluegill (SS-242) deployed in the Western Pacific with units of the United States Seventh Fleet. During the month of February, Bluegill participated in SEATO Operation Tulungan. On 1 April 1962, Bluegill made a three day good-will visit to Saigon, South Vietnam. Bluegill was the first United States submarine to visit Saigon since World War II.
While in Saigon, Bluegill was honored by an official visit from President Ngo Dinh Diem , who extended the greetings of the Vietnamese people to the officers and crew of Bluegill. President Diem awarded submarine Dolphins to eight newly qualified personnel of Bluegill.

8)  Chuyện được nghe Hải Quân Trung Úy Nguyễn Viết Tân, Trưởng Xưởng Điện
Tử Hải  Quân Công Xưởng Sài Gòn thuật lại năm 1962 . Thời gian ấy, Trung Úy
Tân đảm nhận Sĩ Quan Liên Lạc , đại diện  HQ Việt Nam, trên Tiềm Thủy Đỉnh
Hoa Kỳ. (Về sau Hải Quân Đại Tá, Chỉ Huy Trưởng Sở Phòng Vệ Duyên Hải,
trước 30 tháng 4-1975).

9)       http://www.shipbuildinghistory.com/history/smallships/minesweepers3.htm
10)      Hải Sử – Lược Sử Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa –  Tác Giả  Hải Quân Trung Tá Vũ  Hữu San, cựu Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư  HQ 4. Các trang 94, 97, 109  và 110
11)      https://en.wikipedia.org/wiki/Ships_of_the_Republic_of_Vietnam_Navy
12)      https://archive.org/stream/unitedstatesnavy02maro/unitedstatesnavy02maro_djvu.txt
242 United States Navy and Vietnam Conflict (between 7 and 14 April 1963, when Capitaine (AGSS-336) trained with six Vietnamese Navy PCs and PCEs under the command of Lieutenant Commander Dinh Manh Hung).
13)      http://archive.org/stream/unitedstatesnavy02maro/unitedstatesnavy02maro_djvu.txt
180 United States Nary and Vietnam Conflict
“Admiral Felt was pleased by the reaction of the capital’s
populace to the visit and to a diving demonstration in the
Saigon River”

           National Security Action Memorandum Number 52 – John F …
18)  Sách : Black OPS Vietnam – The Operational History of  MACV/SOG by
Robert M. Gillespies, Naval Institute Press, Annapolis, Maryland, USA. Page 1,
Antecedents 4 and 5. ( “On 11 May 1961, Kennedy signed National Security Action
Memorandum (NSAM) 52, authorizing a series of covert operations to prevent the
fall of the Saigon government to the communists” )
19)  Sách : The Approaching Storm : Conflict in Asia, 1945 – 1965.  by Edward J. Marolda, Naval History & Heritage Command, Department of the Navy, Washington, DC.2009 – Pages 64 & 65
20)  Sách : The Approaching Storm : Conflict in Asia, 1945 – 1965 …  Page 65 “ On 16 January 1964, President Lyndon Johnson approved the start of 34A”
21)  Sách : USMACV – SOG Reconaissance Team in Vietnam, by Gordon L. Rottman, Page 9
22)  Sách :   Vietnam : Naval and Riverine Weapons,  by Philip C. Gutzman, Page 176
23)  http://www.ptfnasty.com/ptfVulcan.htm  OPERATION VULCAN  The Secret Side of
Tonkin Gulf Incident , Page 1
24)   https://en.wikipedia.org/wiki/USS_Perch_%28SS-313%29  USS Perch (LPSS-313) – 1960s
25)  https://en.wikipedia.org/wiki/Harry_D._Felt
. « In a conference with General Maxwell D. Taylor, military representative to President John F. Kennedy, Felt stressed that introducing U.S. troops into Indochina would be perceived throughout Asia as the reintroduction of white colonialism into Vietnam, would provoke intensified Communist aggression, would entangle U.S. soldiers in military engagement with the Viet Cong. In early 1962, Felt presciently predicted that Viet Cong forces would seek “a prolonged form of attritional warfare” that could not “be defeated by purely military means.” His favored policy was to organize, train, and equip indigenous Vietnamese forces, but to keep U.S. troops out of the country ».
26) Trích lời phát-biểu của Đề-Đốc Trần Văn Chơn, cựu Tư Lệnh Hải Quân,  California Mùa Thu 2006 : “Đôi Giòng Nhận Xét về Quyển CAN TRƯỜNG TRONG CHIẾN BẠI “ Trang 8 và 9. Tác Giả Phó Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, cựu Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải.–
 http://khoa7-hqvnch.centerblog.net/

Leave a comment